Wednesday, February 15, 2012

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bình Dương

Là một phần của vùng đất Gia Định xưa, Bình Dương gắn liền với lịch sử 300 Sài Gòn - Gia Định cùng những nét đặc trưng văn hoá độc đáo của vùng Nam Bộ.

Nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên, vùng đất Bình Dương mưa thuận gió hoà, đất đai màu mỡ, thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn quả nên rất nổi tiếng với vườn cây trái Lái Thiêu thuộc 4 xã An Nhơn, An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định.

Bên cạnh đó, Bình Dương từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất có những làng nghề truyền thống đặc trưng. Dù trải qua nhiều thế kỷ, các làng nghề ấy vẫn giữ nguyên vẹn và luôn hấp dẫn những ai muốn khám phá tinh hoa của làng nghề cổ xưa này.

Gốm Bình Dương - Tình người và đất

Nói về gốm thì Bình Dương thuộc loại hàng đầu cả nước về số lượng lò và sản phẩm bán ra. Trong đó phần lớn là lò gốm cổ, vẫn giữ nguyên lối sản xuất theo phương pháp truyền thống hàng trăm năm qua.

Theo chân người hướng dẫn của Bảo tàng Bình Dương, chúng tôi đến thăm lò gốm Huỳnh Nguyên gần ngã ba Lò Chén, khu Chánh Nghĩa, Thị xã Thủ Dầu Một (TX.TDM). Trời đã đứng bóng nhưng các công nhân đang tranh thủ phơi hết số chén cho kịp nắng.

Tôi đến bên một người đang hì hục với đống đất dẻo mới nhào xong. Anh tên Thanh Quang, đã hơn 20 năm làm nghề gốm cổ ở Bình Dương. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn đống đất dẻo và mềm đến lạ lùng, anh nói: "Đất này đã được lọc kỹ rồi, chỉ còn phần nhựa chính nên mới mềm và dẻo vậy. Từ đất này đem xoay ra chén thô luôn".

Nhìn từng động tác lấy tay đất bằng tay không của anh Quang, cứ nghĩ anh phải dùng một dụng cụ nào đó. Tay chọc thẳng vào gờ đất, bóc ra từng mảng lớn, đất dẻo như bột mì nhào nước vậy! Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, anh nói tiếp: "Theo được nghề này cũng khó lắm, làm thì cực, giá bán thì thấp, mà nghe đâu còn sắp bị giải toả nữa. Anh em tui cứ làm cầm chừng chớ không biết mai mốt thế nào".
Nói vậy chứ khi tôi hỏi có định kiếm việc làm khác dễ sống hơn không thì anh lại mỉm cười: "Người ở đây quen nghề này rồi. Nhiều gia đình cả nhà đều làm, có người hơn 40 năm. Tuy cực nhưng bỏ nó không đành, vì đây là nghề của cha ông để lại, và nó như một phần trong cuộc sống của người dân ở đây. Cũng từ nó mà tui nuôi vợ nuôi con, hơn nữa cái mùi đất ăn sâu trong người mình rồi, không có nó nhớ lắm!".

Thế mới hiểu cái tình, cái "duyên nợ" của người Bình Dương với nghề gốm thế nào. Có lúc nhiều chủ lò phải chạy nợ khắp nơi để bù lỗ, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Cái lò vẫn còn đó. Theo quan niệm của người làm nghề gốm, cái lò là tài sản quý giá nhất mà cha ông để lại, dù muốn dù không cũng phải giữ cho bằng được.

Bình Dương hiện có trên dưới 300 lò gốm truyền thống, nhưng thường mỗi lò có 3 - 4 người hùn vốn, vì chi phí hoạt động và tồn tại không phải ít. Thường mỗi lò có khoảng vài chục công nhân, lành nghề như anh Quang thì thu nhập 50 - 60 ngàn đồng/ngày, số khác thì 30 - 35 ngàn đồng, tuỳ theo số sản phẩm làm được.

Nổi tiếng nhất là lò gốm cổ Đại Hưng (hay còn gọi là lò lu Tương Bình Hiệp) ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, TX.TDM với hơn 150 tuổi. Ở đây đặc biệt nổi tiếng sản xuất lu, một vật dụng rất quen thuộc với bà con vùng quê sông nước.

Lu, chậu hoa Đại Hưng không hoa mỹ, màu sắc rực rỡ như ta thường thấy. Vẫn tuân thủ quy trình sản xuất cổ xưa: xay đất, đắp khuôn, nung bằng củi trong những chiếc lò truyền thống... Tuy vậy chất lượng tốt, giá thành thấp phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con nghèo vùng quê.

Tìm hướng đi cho làng nghề cổ

Cùng với làng nghề gốm, những sản phẩm sơn mài và khắc gỗ Bình Dương là mặt hàng xuất khẩu truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho tỉnh. Trung bình tăng 35 - 40%/năm, riêng năm 2007 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đạt 245 triệu USD. Tỉnh đã xác định đây là những mặt hàng chủ lực và rất quan tâm đến vai trò của các làng nghề, vì sản xuất thủ công, không phụ thuộc nguyên vật liệu ngoại nhập nên các làng nghề chủ động trong việc sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt sản phẩm từ làng nghề truyền thống được du khách nước ngoại ưa chuộng vì đẹp, mang ý nghĩa văn hoá cao mà giá thành lại rẻ. Chính vì thế, sắp tới đây tỉnh cũng có những chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa thế mạnh làng nghề để trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt.
Theo Bà Nguyễn Thị Điền - giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Bình Dương: "Sắp tới tỉnh sẽ có chính sách sắp xếp lại quy mô làng nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Phối hợp với Hiệp hội làng nghề của tỉnh để đào tạo công nhân, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường... Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, mở showroom giới thiệu và quảng bá sản phẩm là những bước mà tỉnh sẽ thực hiện để hỗ trợ làng nghề., Tuy nhiên việc sắp xếp, quy hoạch cũng dựa trên yếu tố bảo toàn nét văn hoá và sao cho phù hợp".

Những thông tin đó sẽ là niềm vui khôn xiết với những con người đang ngày đêm trăn trở với làng nghề. Có như vậy họ mới yên tâm theo đuổi và phát triển làng nghề, sản xuất ra những sản phẩm đẹp, độc đáo và có sức thu hút lớn trên thị trường.

Trong tương lai không xa, làng nghề truyền thống Bình Dương sẽ trở thành một điểm đến thú vị. Ngoài ý nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh, cải thiện đời sống người dân địa phương, đây còn là sự khẳng định giá trị văn hoá truyền thống của Bình Dương nói riêng cũng như cả vùng Đông Nam Bộ.