Tuesday, May 10, 2011

Người Bình Dương

I. Người Bình Dương, họ là những ai?

Khi nói về con người của đất Bình Dương, đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn. Vài thí dụ đơn giản như:
Bà Hồ Thị Hoa, quê quán Bình An, vợ vua Minh Mạng, mẹ sinh ra vua Thiệu Trị.

Ông Võ Trường Toản và ba người trong Bình Dương Thi Xã là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương.

Diễn viên điện ảnh Thẫm thúy Hằng từng nổi danh là một “Người Đẹp Bình Dương”.
Những nhân vật kể trên có phải là người Bình Dương?

Ba tiếng “người Bình Dương” khá đơn giản và dễ hiểu. Thế nhưng để trả lời được thế nào là người Bình Dương thì không dễ dàng chút nào.

Ở đây có hai việc cần làm rõ, thứ nhất, Bình Dương mà chúng ta nói đến là Bình Dương nào, vị trí và địa giới ra sao? Thứ hai, để xác định một cá nhân thuộc dân tộc nào, người ta không thể chỉ căn cứ vào sinh quán hay quốc tịch, vậy xác định một cá nhân thuộc địa phương nào trong một nước, chúng ta sẽ căn cứ vào những tiêu chí nào?

Trước tiên, hãy bắt đầu từ địa danh Bình Dương.

Bình Dương xuất hiện sớm nhất như một đơn vị hành chánh cấp tổng, điều này được ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí “Năm Canh Tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát Quái ở trên gò cao thôn Tân Khai, tổng Bình Dương gọi là dinh Gia Ðịnh Kinh”. Tổng Bình Dương sau đổi thành huyện của phủ Tân Bình, trấn Phiên An (năm 1808), thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Các danh nhân như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu… là người ở huyện Bình Dương vừa kể.

Như vậy Bình Dương mà chúng ta muốn nói đến ắt nhiên không phải là huyện này, mà là vùng đất thời xa xưa có tên là Bình An. Bình An lúc đầu là tổng (1698) thuộc huyện Phước Long. Địa phận tổng này khá lớn, gồm gần cả Bình Dương, Bình Long, Phước Long và quận Thủ Đức (trước khi tách quận) ngày nay.

Từ 1808, đổi tên tổng Bình An thành huyện Bình An, thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Đến năm 1834, sau khi vua Minh Mạng chia miền Nam ra làm sáu tỉnh, thì miền Nam thường được gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bình An lúc này thuộc về tỉnh Biên Hòa.
Đến 1837, huyện Bình An lại chia ra làm hai huyện nhỏ hơn là Bình An và Nghĩa An. Ông Hồ Văn Bôi, làm đến chức Chưởng Cơ và con gái là Bà Hồ Thị Hoa (1792) sinh ra tại Long Chiểu, thuộc huyện Nghĩa An này. Vào năm 1841, phủ Tân Bình cũng tách ra làm hai huyện là Bình Dương (vùng Sài Gòn) và Bình Long (vùng Hốc Môn và Củ Chi…). Một phần đất của huyện Bình Long (Phú Hòa, Dầu Tiếng), sau thuộc về tỉnh Bình Dương.

Từ 1862 triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp (Định Tường lúc này thuộc miền Tây.Vậy việc phân chia đông tây chỉ có tính tương đối, mà chia thế giới thành phương đông và phương tây cũng vậy). Với nghị định 47 ngày 14/03/1866, Pháp tách huyện Nghĩa An (Thủ Đức) ra khỏi huyện Bình An. Từ đây quê hương của bà Hồ Thị Hoa không còn liên hệ chi với tỉnh Bình Dương ngày nay. Sự kiện này, tính đến nay đã là một thế kỷ rưởi.

Năm 1869 tên Thủ Dầu Một thay thế cho Bình An và nhận quản trị thêm tổng Dương Hòa Hạ (huyện Dầu Tiếng sau này) từ trước thuộc Gia Định.

Từ ngày 20-12-1889, tiểu khu hành chánh Thủ Dầu Một được đổi thành tỉnh. Đến 1953, địa giới bao gồm cả tổng Lộc Ninh, Chơn Thành, Sông Bé, Bù Đốp…
Từ tháng 08 năm 1957, tỉnh Bình Dương được chính thức thành lập. Các phần đất từ Chơn Thành trở lên được tách ra để thành lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long. Bù lại, Bình Dương nhận thêm được 14 xã thuộc huyện Củ Chi. Đến ngày 15/10/1963, 6 xã của huyện Củ Chi được tách ra để lập nên tỉnh Hậu Nghĩa. Bình Dương còn lại 8 xã, lập thành quận Phú Hòa. Đến tháng 07-1965, Bình Dương lại nhận thêm quận Phú Giáo, thuộc tỉnh Phước Thành vừa bị xóa sổ.

Đến năm 1976, Bình Dương được sát nhập với Bình Long, Phước Long làm thành tỉnh Sông Bé. Hai huyện Tân Uyên, Dĩ An trước thuộc Biên Hòa, từ lúc này thuộc về Sông Bé. Quận Phú Hòa nay thuộc về thành phố Sai Gon.
Đến 01/01/1997, Tỉnh Sông Bé lại chia thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Bình Phước gồm hai tỉnh trước 1975 là Bình Long và Phước Long. Phần đất còn lại thuộc Bình Dương.

Như vậy, ta nhận thấy rằng phần đất có tên Bình An đã trải qua khá nhiều thay đổi từ tên gọi đến diện tích, do vậy nếu truy nguyên các nhân vật lịch sử tại đây là điều rất khó xác định chính xác. Chỉ tính riêng diện tích của Thủ Dầu Một vào năm 1954 là 4.723 km2 và tỉnh Bình Dương năm 1975 là 2.031 km2, ta đã thấy sự sai lệch rất là đáng kể.
Từ những lý do đó, chúng tôi nghĩ rằng, khi đề cập đến người Bình Dương, có lẽ chúng ta chỉ nên giới hạn người ở vùng đất trên phạm vi từ khi có tên gọi chính thức là Bình Dương và Bình Dương hôm nay. Bởi lẽ nếu trở lại với vùng Thủ Dầu Một và Bình An thì diện tích quá rộng lớn, nhiều nơi không còn liên hệ chi với tỉnh Bình Dương nữa, việc truy tìm gốc gác các nhân vật trên phạm vi bao la như vậy là điều bất khả và thiết nghĩ cũng không hợp lý khi gọi tất cả nhân vật trên vùng đất đó là người Bình Dương.
Bình Dương hiện nay, và Bình Dương lúc ban đầu có diện tích và ranh giới gần tương tự nhau. Hiện nay, thêm được hai huyện là Tân Uyên và Dĩ An, nhưng lại mất đi tám xã của Phú Hòa. Người sinh ra và sống trên vùng đất Phú Hòa trong khoảng thời gian 20 năm trước 75, nay tuy thuộc Sài Gòn, gốc gác họ vẫn là Bình Dương. Tám xã ấy là:

1/ An Nhơn Tây
2/ Bình Mỹ
3/ Nhuận Đức
4/ Phú Hòa Đông
5/ Phú Mỹ Hưng
6/ Tân Hòa
7/ Tân Thạnh Đông
8/ Trung An.

Như vậy, có một người rất quen thuộc với dân Bình Dương và thường được gọi là thầy Sáu (Hòa thượng Đạt Phẩm), chuyên hốt thuốc trị bệnh tại chùa Thái Sơn, (cũng chỉ thường gọi là chùa thầy Sáu), nay dù thuộc thành phố Sai Gon nhưng khi nói về người Bình Dương, vẫn phải kể đến tên ông.

Các danh nhân của Tân Uyên, Dĩ An trước đây là niềm tự hào của người dân Biên Hòa, thì nay dân Bình Dương cũng có thể kể về họ như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, thi sĩ Đằng Phương … Ngược lại, một vài người như Lê Văn Siêu, Hoàng Văn Bổn… huyện Vĩnh Cửu, tuy cũng có nhiều gắn bó với mảnh đất Tân Uyên, vẫn thuộc về Biên Hòa, là người Biên Hòa thôi. Còn các vị như Hồ Văn Bôi, Hồ Thị Hoa… có lẽ chúng ta nên “nhường” vinh quang ấy cho dân Thủ Đức thì hợp lý hơn.

Điều thứ hai mà bài viết này muốn xác định tiếp là khi nói “Người Bình Dương”, ta sẽ dựa vào các tiêu chuẩn nào?

Nơi sinh là yếu tố quan trọng nhất, tuy nhiên, cũng như vấn đề dân tộc, không phải là yếu tố duy nhất. Có những người tình cờ sinh ra ở một nơi nào đó, sau di chuyển đi nơi khác, vậy không thể kể họ là người dân của vùng đất đó được. Ví dụ trường hợp một diễn viên điện ảnh khá nổi tiếng hiện nay là Johnny Trí Nguyễn, tuy sinh ra ở Bình Dương năm 1974, nhưng khó tin là trong tâm tư, anh nghĩ Bình Dương là quê hương của anh.

Lại có những người tuy sinh một nơi nào đó, nhưng sau trở về Bình Dương nguyên quán gốc hoặc ngụ cư, làm việc hay có những sự nghiệp tạo tiếng vang lớn, hoặc ảnh hưởng đến vùng đất mới này, thì người đó cũng nên liệt kê vào quyển Bình Dương nhân vật chí, nếu có ai đó viết một quyển sách như thế. Nếu chấp nhận quan điểm này, danh sách người Bình Dương sẽ có những cái tên như Thẩm Thúy Hằng (kịch sĩ, minh tinh), Lệ Thủy, Hồng Nga, Thanh Sang (nghệ sĩ cải lương), Huỳnh Phi Dũng (gốc Bình Định, đang xây dựng khu du lịch Đại Nam), bác sĩ Trương Kế An, tướng Nguyễn Bình… Nhất là Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư đoàn 5 của quân đội miền Nam trước đây, người đã chiến đấu gần trọn binh nghiệp của mình và đã tự sát chết trên chính vùng đất này, sao ta lại có thể bỏ qua không nhắc đến?

Về phương diện …dâu rể của Bình Dương. Truyền thống gia đình của người Việt xem dâu rể như con, hay ít nhất, cũng đối xử ngang hàng với con. Tùy vào cách cư xử, các mối quan hệ, đôi khi dâu rể được thương yêu, qúy trọng hơn con ruột. Dâu rể của một địa phương, vì vậy không nên phân biệt đối xử, mà cũng không nên thấy người ta sang mà vội bắt quàng làm họ. Họ là rể của mình, mà con gái mình họ đánh đập mặt mũi bầm tím, sau lại bỏ vợ con nheo nhóc đi lấy vợ khác mà. Nay vì họ nổi danh quá, đi đâu mình cũng khoe khoang rằng đó là con rể của mình thì có hơi bị kỳ. Ngược lại thì quá tốt, nếu dâu rể làm rạng danh cho họ tộc, thì đáng xem như là người trong gia đình, nói về người của một địa phương thiết nghĩ ta cũng nên đối xử như thế. Vậy danh sách người Bình Dương có thể kể thêm rất nhiều nhân vật chẳng hạn như ông Lê Đức Anh (cựu Chủ tịch nước), bà Khúc Minh Thơ (hoạt động xã hội hải ngoại), Nguyễn Đức Sơn (thi sĩ), Nguyễn Hiếu Học (nhà nghiên cứu).

Thêm một điều quan trọng nữa cần làm rõ, là vấn đề chính trị. Do bối cảnh đặc biệt của nước ta ngày nay, nói chuyện gì thì hình như cũng khó tránh được lãnh vực này, một lãnh vực vô cùng tế nhị, rối rắm. Giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi nhận định đơn giản là con cái của anh, anh sanh ra mấy đứa, thì anh có mấy đứa con, không thể gì thương ghét mà có quyền thêm bớt. Nó có làm du đảng, hay tên trùm lừa đảo, hay là một anh hùng, thì chúng nó cũng vẫn là con của anh. Hơn nữa, lịch sử luôn cần sự khách quan, công bằng, chính xác, do vậy khi đã viết về Bình Dương, từ đất đai cho đến con người, cần có sự công tâm. Vã lại lịch sử nhân loại không thể chỉ ghi tên và công trạng của những người anh hùng. Không thể chỉ có Trần Hưng Đạo mà cần có cả Trần Ích Tắc, không chỉ Quang Trung mà có cả Lê Chiêu Thống. Bỏ qua kẻ mà bằng cái nhìn cá nhân của mình, mình cho là xấu thì lịch sử sẽ giống như chiếc xe đạp chỉ chạy một bánh, chắc chắn sẽ xiêu vẹo, lắc lư.

Vậy nói đến những người Bình Dương về chính trị và quân sự, ta có nhiều tên tuổi để kể như Hồ Văn Mên, Nguyễn Văn Bé, Lê Quang Lưỡng, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Quốc Phú, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Ngọc Huy, Lâm Hòa Hiệp, Nguyễn Văn Hào, Lâm Phương…(những tên tuổi này nhớ đâu kể đó, không theo một trật tự và dụng ý nào. Xin thứ lỗi)

II. Người Bình Dương xưa:

Đã xác định được phạm vi trình bày, tức ranh giới, dù tương đối, của địa danh Bình Dương và các tiêu chí để có thể tạm gọi một người nào đó là người Bình Dương, thế thì người Bình Dương xưa và nay có điều gì đáng nói không? Bây giờ xin nói về người Bình Dương xưa. Gọi là xưa, những người sanh trước thế kỷ 20, từng có mặt, để lại công trình, sự nghiệp trên mãnh đất này.

Trước hết xin bắt đầu từ lịch sử. Người xưa nhất là ông Trần Thượng Xuyên, mà nay mộ phần còn ở huyện Tân Uyên. Công trạng của ông với miền Nam là điều đã được khẳng định, tuy nhiên thân thế của ông có vài điều không được rõ ràng nhưng xưa nay giới nghiên cứu sử ít quan tâm. Ông sang Việt Nam vào năm 1679, sau khi nhà Minh đã bị mất ngôi bởi Mãn Thanh vào năm 1644, tức gần 35 năm sau. Ông mất vào năm 1720, so với khi nhà Minh mất nước là 76 năm, vậy với chức vụ tổng trấn của nhà Minh, khi đó ông bao nhiêu tuổi? Sử ta lại ghi vào năm 1699 ông còn cầm quân ra biên giới. Một người già như thế, chúng ta không hiểu ông còn đủ sức lực ra đi chiến đấu hay không? Có lẽ chính vì những nghi vấn trên, sử gia Tạ Chí Đại Trường cho rằng có thể nhóm người này chỉ là một nhóm hải tặc mà thôi.

Người thứ hai vẫn còn mộ phần ở phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một là Đỗ Hiệp Trấn. Thân thế ông không biết rõ, nhưng suy luận từ chức vụ của ông, có thể đoán ông sinh ra khoảng hậu bán thế kỷ 18, khi đơn vị Trấn bắt đầu được thành lập, và chức Hiệp Trấn được đặt ra để phụ việc cai quản cho Tổng trấn là võ quan, dưới triều Quang Trung, hoặc nhà Nguyễn.

Bá hộ Quới (Hạ Quang Quới), ngôi mộ rất xưa nằm trong khuôn viên ủy ban tỉnh, đã bị khai quật (khởi sự từ ngày 27-12-1985 đến 13-01-1986). Dù không biết chi về ông, có thể đoán là người rất giàu có của thời xưa. Xin lưu ý thêm, dòng họ Hạ ở tỉnh BD còn có Hạ Quang Biện, tức Đốc phủ Biện, giàu có nổi tiếng ở chợ Thủ (ông là nhạc gia của luật sư tiến sĩ Trần Văn Trai).

Nếu căn cứ vào mộ, còn có vài vị khác:

1.Trương Công Cẩn, tương truyền là vị tướng tài ba thời nhà Nguyễn. Mộ nằm trong khuôn viên đình Bình An, huyện Dĩ An.

2.Huỳnh Công Nhẫn, lăng nằm trong khuôn viên chùa Thiên Phước, Lái Thiêu. Nhân dân phong tặng ông là “Thành Hoàng bổn cảnh”

3.Hồ Văn Vui, Trung võ tướng quân, danh tướng triều Nguyễn, lăng được xây từ năm 1818, thuộc ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, Lái Thiêu. Hồ Văn Vui này, và Hồ Văn Bôi, Hồ Thị Hoa, rất có thể có liên hệ huyết thống với nhau.

4.Trần Văn Lân, mộ ông gọi là Mã ông Lân, nằm tại phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, khoảng trăm năm nay. Ông là cha của ông Trần Văn Hổ, thường gọi đốc phủ Đẩu. Các ngôi nhà cổ của Phú Cường đều có chủ nhân là người họ Trần và một số người giàu hay nổi tiếng khác: Trần Văn Hổ, Trần Công Vàng, Trần Văn Tề, Trần Thị Liên (Bà bảy Lìn), Trần Công Vị (bác sĩ), Trần Văn Trai (tiến sĩ)…Ở Bình Dương gọi là múa cù mà không nói múa lân như những nơi khác, có nhiều người cho rằng vì xưa kỵ húy tên của ông Lân này.

5.Mộ công chúa chùa Ông Mõ: hai ngôi mộ này nằm trong khuôn viên chùa Long Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên. Tương truyền vào khoảng năm 1867, một vị quan họ Dư phò công chúa nhà Nguyễn cùng người cháu ruột là Dư Quốc Đống (1869-1941, ghi rõ để tránh hiểu lầm với tướng Dư Quốc Đống của quân đội miền Nam vì sự trùng hợp tên khá kỳ lạ này) chạy lánh nạn tại ngôi chùa Long Sơn. Họ xuất gia và khi chết được mai táng tại đây. Năm 1977, hai ngôi mộ của vị đại thần họ Dư và công chúa được khai quật. Ngôi mộ của nhà sư có một xâu chuỗi. Ngôi mộ của công chúa còn lưu lại bộ đồ tẩn liệm của triều đình và thanh kiếm có chạm rồng. Các cổ vật này nay được giữ tại viện bảo tàng thành phố Sai Gon.

Dòng dõi quan lại triều Nguyễn lưu lạc vào Bình Dương còn có câu chuyện đuợc kể bởi Huỳnh Văn Nghệ, trong bài “Mất đồn Mỹ Lộc”. Tổng đốc Hoàng Lễ, cùng với vợ là Huyền Cơ và con là Hoàng Hồ chỉ huy nghĩa quân trấn thủ đồn Mỹ Lộc, giữa rừng, thuộc Mỹ Lộc, Tân Tịch, cách không xa thị trấn Tân Uyên, xưa gọi Thủ Đồn Sứ. Hoàng Lễ có ý hàng giặc bỏ đồn ra đi, vợ can ngăn không được nên quyên sinh. Hoàng Hồ ở lại đồn cầm quân kháng giặc Pháp cho đến lúc tử trận cùng 100 nghĩa quân anh hùng. Hoàng Lễ đi giữa đường thì bị bệnh chết trên lưng ngựa. Dân địa phương có lập một cái miếu thờ chung hai ông bà, gọi là miếu Bà Cơ, theo tác giả nay thuộc xã Tân Định, đúng tại bến đò Thường Lang cũ.

Một vị làm quan lớn khác nữa có con cháu ở Bình Dương là cụ Nguyễn Văn Hội, từng giữ chức Thượng Biện tỉnh An Giang rồi Án Sát tỉnh Vĩnh Long với hàm Hàn Lâm Viện Thị Giảng. Con cháu ông còn lưu giữ tờ sắc của vua Tự Đức ban cho ông (1866) tại ngôi nhà cổ ở xã Tân An, Thủ Dầu Một.

Người phụ nữ xưa mà đến nay được nhiều người biết tên nhất là bà Trà. Nhà thờ tại xã Bình Chuẩn được gọi là nhà thờ bà Trà, do cha Robert Keller xây dựng năm 1941. Tương truyền bà là người đã truyền môn võ có tên là võ Tân Khánh Bà Trà nổi danh ở điạ phương. Thân thế bà không được ghi chép trong sách sử, giai thoại thì kể rằng bà là con gái nuôi của hai vợ chồng danh tiếng của quân Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.

Tháng giêng năm Tân Dậu (1861), Pháp tiến quân đánh chiếm đồn Kỳ Hòa ở Gia Định. Phá được đồn rồi, họ liền cho tàu theo dòng sông Sài Gòn về tấn công đồn Thủ Dầu Một. Tại đây, dân quân ta chiến đấu rất quyết liệt nhưng cũng như nhiều nơi khác, vũ khí thô sơ không thể kháng cự lại địch. Báo Trắng Đen trước năm 1975 có loạt bài viết về Bình Dương, kể rằng vị quan chỉ huy là Bố Chánh Đức tử trận, nhiều binh sĩ khác hy sinh. Vị võ quan này là ai không biết rõ, và trận đánh đó ngày nay gần như không mấy ai nhắc đến hay cố công tìm hiểu. Một trang sử oai hùng và bi thương của quê hương đã bị đời sau hờ hững. Như vậy đồn Thủ Dầu Một đã mất vào tay Pháp trước huyện Bình An và tỉnh Biên Hòa gần cả năm trời.

Cũng nên đọc lại ít dòng sử cũ, trong cuộc thương lượng giữa triều đình ta và Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam kỳ : “Ông Aubaret đưa bản thảo tờ hòa ước, đại lược nói rằng: nước Pháp trả lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường cho nước Nam, chỉ giữ Sài Gòn, Mỹ Tho và Thủ Dầu Một để đóng quân.” (Trần Trọng Kim,Việt Nam Sử Lược, nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968, tr.498)

Điều này cho thấy ngay từ buổi đầu người pháp đã nhận ra vị thế chiến lược quan trọng của Thủ Dầu Một, như vậy cuộc chiến để giành giựt phần đất này giữa ta và địch diễn ra ắt là phải vô cùng quyết liệt.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trong quyển “Mười một tháng ở một huyện tại Nam kỳ”, dày gần 500 trang, của Lucien Grammont, là một viên đại úy đã tham gia đánh phá đồn Chí Hòa, sau làm Tham biện ở Thủ Dầu Một, có bản ghi chép điều tra khẩu cung của những nhân vật kiệt xuất kháng Pháp. Những người anh hùng này là ai, tiếc rằng mãi cho đến hôm nay, tài liệu đó, lạ thay, vẫn là một cổ thư quý hiếm khó tìm gặp, nên chúng ta không trả lời được câu hỏi này. Chúng ta tự cảm thấy có lỗi với người xưa quá nhiều vậy.

Những nhân vật của Bình Dương trong lịch sử nay còn lưu tên tuổi có lẽ chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 19. Tác giả Huỳnh Ngọc Đáng, tiến sĩ Sử Học, trong bài viết :
“ Những người Bình Dương thi cử đỗ đạt cao dưới triều Nguyễn”, có nêu danh sách 12 người thi đỗ cao mà ông cho là người Bình Dương. Đọc kỹ, ta nhận thấy hầu hết họ là người ở thôn Linh Chiểu, huyện Nghĩa An, đã thuộc về Thủ Đức cách nay khỏang 150 năm. Tác giả lý luận: “Thôn Linh Chiểu xưa, qua địa bạ lập thời Minh Mạng cho thấy phần lớn diện tích thuộc xã Đông Hòa ngày nay chứ không thuộc Thủ Đức.” ( tạp san Khoa Học Lịch Sử Bình Dương số một). Xem lại địa bạ trên cũng như so sánh với vị trí của phường Linh Chiểu ngày nay ở chợ Thủ Đức, cách rất xa Bình Dương, ta thấy lập luận của tác giả chưa thuyết phục lắm. Đặc biệt, khi đối chiếu với công trình của một tác giả khác, Phan Đình Dũng, trong tác phẩm “Các nhà khoa bảng xứ Biên Hòa-Đồng Nai”, ta nhận thấy các vị khoa bảng mà Huỳnh Ngọc Đáng nêu ra đều có mặt. Trong đó có vài vị cả hai tác giả trùng hợp nhau khi xác định là người thuộc Bình Dương ngày nay. Chúng tôi xin nêu tên các vị này :

1.Huỳnh Văn Tú, thôn Tân Hội, Tân Uyên, làm quan đến chức Bố Chánh đứng đầu tỉnh Cao Bằng.
2.Phạm Tuấn, xã Bạch Đằng, Tân Uyên, đỗ năm 1821.
3.Nguyễn Duy Doãn, thôn Tân An, nay là Tân An, làm quan tới chức Biện lý bộ Hộ.
4.Nguyễn Khiêm Hanh, thôn Tân Uyên, làm quan Án Sát.
5.Nguyễn Khiêm Trinh, thôn Tân Uyên, đỗ cùng khoa với anh ruột là Nguyễn Khiêm Hanh, làm Đốc học.
Trong bảng liệt kê của tác giả Phan Đình Dũng, có thêm nhân vật mà trong bảng của Huỳnh Ngọc đáng không có, chúng tôi cũng xin nêu ra đây để tiện việc tham khảo cho những ai quan tâm:
-Tống Đức Hưng, người thôn Long Đức, huyện Bình An, đỗ khoa thi Tân Tỵ, năm 1812, có lẽ là người thi đỗ đầu tiên ở Bình Dương.

Những nhân vật mà hai tác giả xác định nguyên quán gốc so với ngày nay không thống nhất với nhau gồm có:
1.Nguyễn Văn Trị, thôn Linh Chiểu.
2.Nguyễn Văn Toại, thôn Linh Chiểu Đông.
3.Nguyễn Quang Khuê, thôn Bình Phú.
4.Phạm Văn Trung, thôn Linh Chiểu.
5.Trần Văn Học, thôn Linh Chiểu.
6.Võ Xuân, thôn Tân Thuận.
7.Hồ Văn Phong, thi đỗ năm Đinh Mùi (1847), Thiệu Trị năm thứ 07, làm quan tới chức Tri Phủ (không ghi rõ điạ phương làm quan).

Những vị chưa có sự thống nhất, sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu
Trong công trình nghiên cứu về Bình Dương do Sở Học Chánh Bình Dương chủ trì trước 75, có liệt kê 10 danh nhân. Hầu hết gốc người Bình An, nhưng có nhiều vị không ghi thôn, do đó chưa thể xác định chắc chắn có phải là người Bình Dương hay không. Danh sách đó bao gồm:

1.Hồ Văn Bôi, chức Chưởng Cơ, cha của Hồ Thị Hoa.
2.Lê Văn Tú, Chưởng Cơ.
3.Nguyễn Văn Quyền, Thống Chế.
4.Hai Chánh tổng Chinh và Lai, đóng quân kháng Pháp tại An Thạnh, sau ông Chinh tự sát vì mộng lớn không thành.
5.Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, sinh tại Búng, tử vì đạo, được phong Thánh.
6.Phan Văn Hùm, người xã An Thạnh, Lái Thiêu, nhà trí thức yêu nước.
7.Trần Văn Sĩ, sanh 1907 tại Phú Cường, hoạt động cách mạng chống Pháp, chết trong nhà giam Côn Đảo.
8.Nguyễn Hòa Hiệp, sinh 1904, tại xã Phú Long, Lái Thiêu, từng tranh cử Tổng Thống.
9.Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Hoàng Hạo, ông Hội Đồng Khôi và con là Hạo người Tương Bình Hiệp, tham gia chống Pháp. Ông Khôi bị giặc bắt và mất tích. Ông Hạo chết vì bom Pháp tại Quéo Ba (1947).

Nếu như các nhân vật chính trị, văn hóa có tên tuổi đã không được ghi chép đầy đủ thì về tôn giáo, chúng ta còn biết được khá nhiều, như, bên Phật giáo, một vài vị nổi bật có:
1.Thiền sư Khánh Long, xây cất chùa Hội Sơn trên núi Châu Thới khoảng giữa thế kỷ 17, một trong những ngôi chùa xưa nhất Nam bộ.
2.Thiền sư Đại Ngạn (1667-1742) xây chùa Hội Khánh (1741)
3.Hòa thượng Từ Văn (1877-1931) năm 1920 được thỉnh sang Pháp làm lễ cầu siêu cho người Việt bị bắt đi lính cho Pháp tử trận…
4.Nhẫn Tế thiền sư (1888-1951), sanh tại làng An Thạnh, Lái Thiêu, người Việt Nam đầu tiên đến và tu tập tại Tây Tạng.
Ngoài ra Bình Dương còn rất nhiều ngôi chùa cổ như Thiên Tôn, Long Thọ, Long Hưng, Đức Sơn, Hội Sơn… được xây dựng trong thế kỷ 18, mà tên tuổi của vị sáng lập và các đời kế tiếp nay vẫn còn ghi chép đầy đủ.

Một vài nhân vật khác bên đạo Công Giáo hiện diện tại địa phương khá sớm và có nhiều hoạt động nơi đây như:
1. Cha Pigneau de Be’haine (Bá Đa Lộc), thụ phong Giám mục năm 1774 tại Madras, xây dựng nhà thờ đầu tiên của tổng Bình An tại chợ Cây Me, Bình Nhâm.
2. Cha Jean Taberd cử làm cha sở Lái Thiêu từ năm 1821.
3. Cha sở Henri Aze’ma, năm 1894, khởi công xây dựng nhà thờ Lái Thiêu. Ông cũng là người đã sáng lập ra trường Câm Điếc Lái Thiêu (1886).
4. Thánh Quý. Cha Phêrô Đoàn Công Quý sinh năm 1826, tại ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, Lái Thiêu. Tử vì đạo và được phong Thánh.
5. Lê Bá Đảnh, nhà văn Sơn Nam kể về nhân vật này như sau: “Từ năm 1879, tên phiêu lưu chính trị Lê Bá Đảnh đã ngấm ngầm đóng vai con bài để cho bọn thực dân Anh đánh sau lưng thực dân Pháp. Lê Bá Đảnh quê ở Nghệ An, vào Thủ Dầu Một làm ăn trở thành thầy dòng Thiên Chúa, xưng dòng dõi nhà Lê, lúc đầu hắn được thực dân Pháp tin cậy phong chức huyện hàm, xưng là huyện Thi hoặc Po-lux Thi.” (Sơn Nam, Đất Gia Định, Bến Nghé Xưa, và Người Sài Gòn, tr.366, nxb Trẻ, 2007)

Ngoài ra, một số người Pháp đã có mặt tại Bình Dương, giữ chức vụ cao, có nhiều tội lỗi hay công trình đóng góp cho sự phát triển của tỉnh như xây cất chợ búa, đường xá, trường học, trung tâm giáo dục, cũng nên ghi nhận để có thể có cái nhìn đầy đủ về những nhân vật lịch sử trên đất Bình Dương. Như ông Lucien Grammont, lưu lại một quyển hồi ký là tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về Bình Dương thời người Pháp mới đặt chân qua đây.

Chúng tôi vừa trình bày một cách khái quát và sơ lược về các nhân vật Bình Dương thưở xưa nay còn lưu danh, hy vọng sẽ là cơ sở cho những công trình nghiên cứu toàn diện và chi tiết hơn nhằm phục dựng lại bức chân dung lịch sử của đất và người Bình Dương-một bức tranh nay đã mờ phai theo lớp bụi phủ của thời gian và có thể mất hẵn, nếu thiếu sự quan tâm của chúng ta, thế hệ cháu con của những người đi mở cõi trên vùng đất này.

Chủ đề Người Bình Dương viết như thế chắc là chưa làm thỏa mãn quan điểm riêng của nhiều người. Một công trình về người Bình Dương đầy đủ, khoa học, cần nhiều nỗ lực hơn nữa, với sự công tâm, với quan điểm sử luận đúng đắn của người thực hiện và một tinh thần rộng mở, bao dung về phía người đọc.

Huỳnh Hoàng Anh
(8/2009)

Tuesday, March 15, 2011

Bau cu o Binh Duong thoi VNCH


Vai hinh anh Binh Duong xua




 
Mieu tu tran truoc 1975

Tieu khu Binh Duong

Nghệ thuật trang trí nhà ông Đốc Phủ Đẩu

Tìm hiểu về các ngôi nhà cổ người Việt ở Bình Dương, mà nét nổi bật và mang tính đặc trưng của lối kiến trúc nghệ thuật phải nói đến 3 ngôi nhà của họ Trần, nằm trong khu chợ Thủ Dầu Một ngày nay. Trong đó, có 2 ngôi nhà được công nhận di tích cấp quốc gia (nhà Bác sĩ Trần Công Vàng và nhà ông Trần Văn Hổ).

Ngôi nhà ông Trần Văn Hổ tọa lạc số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông Trần Văn Hổ (tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ sứ thời thuộc Pháp. Công trình được xây dựng năm Canh Dần (1890), tháng Trọng Xuân (tháng 2), nhằm niên hiệu Thành Thái thứ 2 cách ngày nay (2008) là 116 năm. Công nhận di tích quốc gia ngày 29-4-1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2 .

Hiện nay, di tích còn lại là một ngôi nhà chính, đây là ngôi nhà lớn chủ yếu là để thờ cúng ở gian giữa. Ngôi nhà trông bề thế và trang nghiêm, biểu hiện cung cách tôn ti trật tự, nề nếp. Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn để hưởng được làn gió mát trong lành quanh năm.
Lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh”, tổng diện tích xây dựng là 200m2, kiểu nhà được người dân Thủ Dầu Một xưa rất ưa thích. Trước sân được che phủ bởi cảnh thiên nhiên thu nhỏ của vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ được trang trí đầy đủ cảnh sinh hoạt “Ngư – Tiều – Canh – Mục”. Ngôi nhà có dáng dấp nhìn từ ngoài vào hơi thấp, với mái ngói rêu phong, tạo cảnh sắc thiên nhiên của sự cổ kính, thanh tịnh tách hẳn với ồn ào náo nhiệt của cảnh phố chợ bên ngoài.

Bước vào bên trong là nét đẹp trang trí thể hiện sự sung túc của ngôi nhà. Nguyên vật liệu toàn là gỗ quý như Cẩm lai, Giáng hương, Gõ, Sến, Mật… được sử dụng bài trí lớp lớp, từ mái nhà xuống cửa võng và cả bậc ngạch. Từ những song gỗ, đường nét ô vuông đến các mảng phù điêu đều được bố trí đối xứng đến từng chi tiết, tạo nên bề thế trang nghiêm, thể hiện phong cách vương quyền.
Ngôi nhà xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái gồm 36 cột tròn. Mái ngói âm dương dài thoai thoải và thấp mang đậm nét nhà truyền thống người Việt. Trên nóc nhà có hồi văn, hình bát quái. Loại nhà này có nhiều ưu điểm so với các nhà cổ truyền khác ở chỗ có bộ khung sườn cứng cáp, lòng nhà rộng rãi. Kết cấu bộ vì kèo theo kiểu nối cột cái với cột con bằng “giả thủ” tạo không gian thoáng đãng, hệ thống kẻ ngòi phong phú (theo lối kẻ ngòi đãng: ngắn, ráp, nối nhau) gắn chặt xà, kẻ, bẫy vào đầu cột theo không gian 3 chiều. Kẻ, bẩy vươn qua không gian, ăn mộng vào đầu cột tạo cho nghé kẻ thêm phần vững chắc ở điểm nối giữa nách và cột. “Bẩy” (đầu kèo) ở đây được chạm thẳng vào cục gỗ “Tứ linh”, xà nách thì chạm Tứ thời, kẻ ngòi (thân kèo) thì ngoài chạm ra còn tạo hình dáng uốn lượn trông mềm mại.

Từ hệ thống mái vững chắc, có phần hơi thấp, bên trong nội tự được ngăn đôi bức tường giả hình chữ U tạo chiều sâu. Mảng giữa tường và khánh thờ là các bức Hoàng phi được sơn son thiếp vàng, các bức liễn bằng những câu đối cẩn xà cừ đính trên cột.
Gian giữa phía trên là khám thờ với tấm Thủ quyển chạm nổi hình Tứ linh hoàng tráng, giữa bức thủ quyển ấy là ba hàng chữ đề danh hiệu các vị thần được thơ. Phía trái là thờ thần Táo với danh hiệu “Đông Trù Tư Mạng”, giữa là thờ trời với danh hiệu “Hiệp Thiên Đại Đế”, bên phải thờ phúc thần với danh hiệu “Phúc Đức Chánh Thần”, phía dưới thờ gia tiên nhiều đời, hai bên nơi thờ chính là hai câu đối:
Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân, canh khả phú
Cần kiệm nhị, cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh.
Tạm dịch:
Cày ruộng và đọc sách là hai con đường: đọc sách có thể hiển vinh. Còn cày ruộng chắc là giàu có.
Hai chữ cần và kiệm thì vần (siêng năng) ta có thể dựng nên sự nghiệp, còn tiết kiệm cũng có thể đủ đầy.

Ở hai bên phải và trái, có hai bức thờ cẩn xà cừ rất công phu và độc đáo. Bức bên phải đề hai chữ “Hạc Toán” (sống lâu như tuổi Hạc), bức bên đề “Qui linh” (tuổi thọ như Rùa thiêng). Bốn chữ ấy đều cẩn ốc xà cừ màu ngũ sắc óng ánh tuyệt đẹp với lối viết cách điệu, mỗi nét chữ là hình ảnh của chim muông hoa lá tạo thành. Hai bên mỗi bức thờ là đôi câu đối viết kiễu chữ “Chân lư” (một loại chữ mà cho đến nay chưa đọc được), cẩn ốc xà cừ nét chữ khó đọc thể hiện sự huyền bí pha lẫn sự khéo léo của các nghệ nhân tài hoa xưa.
Hai bên thờ chính, có cặp đối:
Hoa đường thụy ái hoàng khai phú hậu chi cơ
Đại địa linh chung triệu khải văn minh chi vận.
Tạm dịch:
Rực rỡ mây lành rộng mở nền phú hậu
Địa linh hun đúc gầy dựng vận văn minh
(ước mơ vừa giàu vừa có văn hóa).

Ở hai bên gian thờ giữa là hai buồng (phòng) ngủ của chủ nhà (buồng ông và buồng bà) bài trí 2 bộ ván nằm ngủ (dạng nguyên khối gỗ). Trên hai cửa buồng có hai bức hoành đề: Ngự dược, Diên phi (cá nhảy, diều bay: Có ý mong thi đậu hoặc thăng quan lên chức). Nơi đây còn có các bao lam đều trang trí đẹp, công phu. Đối xứng hai bên hông buồng ngủ là hai tủ đứng cẩn xà cừ màu sắc sặc sỡ, tủ dùng bài trí các vật dụng trong nhà.

Nét độc đáo của ngôi nhà là lớp cửa thứ hai, tất cả đều chạm nổi, khắc chìm, khắc lộng… thể hiện toàn bộ trên các khung cửa, cách cửa: khung cửa chính dựng theo lối Tam quan, ở đây là một bức tranh khá hoành tráng với cảnh có hình bán nguyệt được trổ lộng, thể hiện cảnh lầu son gác tía ở cung đình. Bề mặt của khung cửa chạm trổ Tứ thời, bên trên là đề tài, bên dưới đề câu đối, tạo nếp hài hòa sinh động qua cảm giác khoảng thời gian của mỗi mùa.

Phần thể hiện các đề tài trên cửa được chia ra các ô vuông. Ô chữ nhật thể hiện Tứ Linh: Long với sóng nước vân mây, Lân với cuộc giấy, Qui với chân đèn, Hạt với cây Tùng. Các hoa văn tứ hữu “Mai – Lan – Cúc – Trúc” với những đường diềm chi tiết khéo léo được phân bố hợp lý nét chạm – khắc tinh tế.

Các tấm lá gió đường diềm ở giữa cột được gia công, chạm lộng, hình chữ Thọ, các chắn song song đều nhau, ngăn cách một cách chuẩn mực. Ở đây công trình chạm lộng từ bẩy, kẻ ngòi, xà nách, bao lam, khám thờ… song cũng có nhiều chủ đề khác nhau nhưng vẫn tập trung của 2 đề án trang trí chính: Đồ án trang trí theo các đề tài tôn giáo phong kiến như: Tứ linh, Đồ án trang trí dân gian lấy thảo mộc, hoa quả làm chủ đề chính như: Bát bảo, Bát quả, Tứ hữu, Tứ thời… Mỗi chủ đề là sự thể hiện một mãn tâm hồn, một phần đời sống, một cảnh thiên nhiên với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Bộ phận văn hóa chữ Hán được thể hiện ở những tấm hoành phi, cặp liễn, trên bức thờ, thủ quyển, tấm hoành, câu đối. Những bài thơ, văn ở đây đều được thể hiện ngắn gọn, súc tích. Có câu mang tính ước lệ, khuôn sáo nhưng nội dung vẫn giàu tính nhân văn, chẳng hạn để diễn tả nét đẹp của mặt tiền ngôi nhà đã có câu: Định tiền sinh thụy thảo
Liêm ngoại xuất kỳ hoa
Tạm dịch:
Trước sâu sinh cỏ lành
Ngoài rèm mọc hoa quý.

Ở nơi hàng cột nhì trong ngôi nhà trên bốn cột có treo bốn bức tranh “Tứ bình” (thật đáng tiếc nay chỉ còn lại 3 bức tranh) khảm ốc rất đẹp, đẹp đến từng đường nét cẩn ốc rất tinh xảo nhuyễn – nhỏ và uyển chuyển sinh động.
Bức thứ nhất vẽ chủ đề “Mai – Nhạn” với hai câu thơ:
Nguyệt Minh thời hữu Nhạn lai quy
Lan bất tri mai nguyên Nhạn ước.
Tạm dịch:
Vào đêm trăng sáng nhạn trở về,
Lan nào hay biết nhạn với mai đà ước hẹn).

Bức thứ hai vẽ chủ đề “Trúc – Phượng” với hai câu thơ:
Tập lai nghi phượng tảo tầm qui
Cúc tảo tri tha thường trúc thực.
Tạm dịch:
Đàn phượng tìm về vừa đúng lúc
Nhưng cúc cũng đã sớm ưa tìm ăn trái trúc!

Bức thứ ba vẽ chủ đề “Cúc – Yến” với bốn câu thơ:
Chất bạn cúc li kiên vãn tiết
Hương tùy chu thất tán thu phong
Phong nguyên chấn lập li tao lí
Yến kết di phục cư bội trung.
Tạm dịch:
Cúc luôn giữ khí tiết
Hương vào nhà thơm theo gió thu
Thẳng tới chốn phòng văn
Hay dầu én đã đến nơi đây làm tổ.

Nơi lạc khoảng một trong ba bức tranh này đề: Quý Tỵ Niên Khiến Tạo (1833). Như vậy, phần trang trí nội thất không phải tiến hành cùng một lúc với công trình xây cất ngôi nhà.
Một di tích kiến trúc cổ được đặt trên một nền văn hóa nghệ thuật chạm trổ – điêu khắc gỗ thể hiện hài hòa và điêu luyện, được tồn tại và bảo lưu quý giá về chất liệu sử dụng cả về nghệ thuật trang trí làm cho người xem khó có thể phân biệt tách rời giữa ranh giới đâu là chạm và đâu là khắc các đường nét sắc bén tinh vi, tỉ mỉ đến từng đường nét uốn lượn từ lớn đến nét nhỏ nhất, từ độ sâu đến nét cạn… tất cả đều thể hiện một nét riêng độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam.
Cái đẹp của công trình kiến trúc ngôi nhà là người chủ đã xác định được địa thế, địa hình: đồi, dòng sông, nắng trời, trăng và phong cảnh xung quanh hòa hợp. Đó là đặc điểm truyền thống trong kiến trúc cổ của dân tộc Việt Nam, kiến trúc ngôi nhà với sự hài hòa với địa hình, phong cảnh và thiên nhiên vùng nhiệt đới.

Giá trị kết cấu kiến trúc của ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ được thể hiện ở cách bố trí không gian bên trong ngôi nhà. Nghệ thuật trang trí cho thấy ngôi nhà vừa cổ điển, vừa sâu kín và ấm cúng, thanh thoát. Nghệ thuật chạm trổ tinh vi từ các vì kèo, bao lam, khán thờ – uy nghi của tấm Thủ quyển chạm hình Tứ linh hoàng tráng nhũ vàng, các bức hoành phi sơn son thiếp vàng, các bức liễn cẩn xà cừ theo motyp truyền thống như: Tứ linh, Bát bửu, Hồi văn, Chữ thọ… cùng với những đường nét theo kiểu hình học. Những cây trính đều được uốn cong và chạy chỉ, trên thích với kiểu cánh dơi theo kiểu truyền thống từ miền Bắc và miền Trung nước ta. Đặc biệt, là những cái lá dung ở mỗi đuôi kèo được chạm khắc tinh xảo, thể hiện nét tiêu biểu của kiểu nhà cổ Việt Nam, nói lên óc thẩm mỹ đặc sắc của nghệ nhân đất Thủ xưa.

Phần giàu có nhất của ngôi nhà được thể hiện ở vật trang trí từ các bộ bàn ghế, tủ chè, tủ thờ, hoành phi, câu đối, trường kỹ, ván nằm (dạng nguyên khối gỗ) có niên đại cổ xưa và giá trị nghệ thuật, kinh tế cao. Ngoài chất liệu gỗ được sử dụng như sao, gõ, huỳnh đàn, cẩm lai, mật… được chạm trổ với các kiểu nghệ thuật khác nhau: chạm lọng, chạm nổi, khắc, chạm giũa thật tinh xảo, hệ thống các hiện vật trong trang trí nội thất đều nâng lên được giá trị đặc biệt về mỹ thuật lẫn niên đại.

Qua những nét đặc trưng nổi bật về trang trí mỹ thuật của kiến trúc nghệ thuật dân dụng. Ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ là sự hội tụ mọi yếu tố văn hóa khác nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu thổ nhưỡng, về kinh tế – xã hội thời bấy giờ. Với nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc ngôi nhà tồn tại trên vùng đất trù phú (Phú Cường) đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc gỗ ở thế kỷ XIX, mang phong cách đặc trưng của địa phương đất “Thủ” – Bình Dương ngày nay.

Hiện nay, di tích được Ban Quản lý di tích tỉnh quản lý và khai thác phát huy tác dụng giá trị nghệ thuật quý giá ấy. Giá trị của ngôi nhà được bảo tồn và trùng tu, tôn tạo ngày một đẹp hơn. Hàng năm ngôi nhà đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan chiêm ngưỡng và nghiên cứu. Tại đây, hàng tháng còn tổ chức lớp học về nhạc cụ dân tộc, đờn ca tài tử Nam bộ… làm cho ngôi nhà trở nên sinh động hơn và ngôi nhà góp phần giúp giới trẻ tìm về với cội nguồn, gần gũi với nghệ thuật truyền thống dân tộc, làm giàu tính nhân văn tâm hồn Việt trong thời hội nhập và phát triển.

Suu tam

Nhà cổ ở Bình Dương

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Cấu trúc địa chất cơ bản là vùng bán sơn địa nhưng có nhiều dạng địa hình tự nhiên như đồi gò, đồng bằng, sông ngòi, rừng nguyên sinh… Nơi đây là vùng đất lý tưởng vì sự đa dạng về thổ nhưỡng và môi trường sinh thái: vừa giàu có về rừng cây gỗ quý nổi tiếng một thời, vừa có chất đất thuận lợi để trồng cây công nghiệp và có cả đồng bằng phù sa màu mỡ.

Trên vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi nên nhìn chung dân cư Bình Dương có đời sống ổn định, nền nếp, phong lưu, văn hóa phát triển. Theo Đại Nam Nhất Thống chí  thời Tự Đức, Bình Dương xưa thuộc trấn Phiên An, giữa hai huyện Bình Dương (Tân Bình) và Phước Long, dân cư trù mật, nhà ngói, phố chợ liền lạc, là xứ phồn hoa đô hội của đất Gia Định, cả nước không đâu sánh bằng. Ngày nay dấu ấn xứ phồn hoa đô hội  ở Bình Dương vẫn còn được lưu giữ qua nhiều ngôi nhà cổ, một loại hình di tích văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Làng xã ở Bình Dương thường nằm yên bình, tĩnh lặng giữa thiên nhiên đầy cây xanh của vườn cây trái hay vườn cây cảnh, trên vùng đồi gò đã được khai phá thành vườn tược hay trên những cù lao nằm giữa dòng Đồng Nai. Có lẽ phong cảnh nhà vườn với nếp sống phong lưu thể hiện rõ nhất nơi những căn nhà bề thế, cổ kính trên những cù lao trù phú như cù lao Mỹ Hoà, Mỹ Quới (tên cũ của Bạch Đằng, Tân Uyên) cù lao Rùa, cù lao Thạnh Hội… Cù lao ở đây đã được con người chọn để cư trú từ lâu đời, nơi có nhiều dòng họ giàu có “tam đại đồng đường” trong những ngôi nhà cổ đồ sộ giữa vườn cây trái bạt ngàn, không gian tĩnh mịch và môi trường sinh thái trong lành.
Tại Bình Dương hầu như có đủ các kiểu nhà thường thấy ở Nam Bộ.
Nhà chữ đinh: là loại nhà phổ biến nhất tại Bình Dương. Kiểu nhà này có hai căn, căn nhà trên nằm ngang và căn dưới nằm xuôi, đòn dông của hai căn này thẳng góc với nhau, giống như chữ đinh (丁¡)  trong Hán tự. Đặc điểm của nhà chữ đinh là cửa cái của nhà trên trổ ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái của nhà dưới trổ ở chiều rộng (tức ở  đầu hồi nhà), do đó cửa cái hai căn nhà trên và nhà dưới đều mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà. Kiến trúc nhà chữ đinh thể hiện ý thức về trật tự phong kiến rất rõ. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ. Dù nhà bằng vật liệu bán kiên cố hay kiên cố, phần lớn nhà chữ đinh tại Bình Dương đều thuộc dạng nhà chữ đinh có cầu nối  đặc trưng của miền Trung, tức là nhà có phần trung gian nối vách và mái giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể chứ không tách rời nhau.

Để cất được một căn nhà chữ đinh, trước tiên phải có diện tích đất khá rộng, sau nữa chi phí cho vật liệu xây dựng khá cao, vì vậy chỉ những gia đình khá giả trở lên mới có khả năng đáp ứng. Có những ngôi nhà chữ đinh diện tích nhà trên đến 250m2 (ngang 10m dài 25m), được xây dựng bề thế với những cột gỗ lớn, các bộ phận trang trí kiến trúc được chạm khắc tinh xảo. Đi khắp Bình Dương, nhất là những nơi có cư dân lâu đời như thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An… đâu đâu cũng có những ngôi nhà chữ đinh cổ xưa với dạng nhà vườn giống nhau. Phổ biến là nhà chữ đinh có kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc.

Nhà chữ Nhị  cũng khá phổ biến tại Bình Dương. Loại nhà này có hai căn: nhà trên ở phía trước và nhà dưới liền ngay phía sau nhà trên, do đó hai cây đòn dông của nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau như chữ nhị (二þ). Bố cục mỗi căn nhà thường là ba gian, tuy nhiên sau này người ta cất nhà dưới dài thêm một gian so với nhà trên để lấy ánh sáng. Nhà dưới là không gian cư trú, còn nhà trên chủ yếu dành làm nơi thờ tự. Nhà chữ nhị cũng thuộc loại nhà có diện tích đất tương đối lớn.
Nhà chữ Đinh và nhà chữ Nhị là những ngôi nhà có tuổi khá xưa, phần lớn được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, chủ nhân thường là người giàu có. Tuy đã trải qua trùng tu nhiều lần nhưng nhờ xây dựng bằng các loại gỗ quý, thợ dựng khéo léo và kỹ lưỡng, con cháu  có sự lưu tâm giữ gìn nên đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.

Nhà ba gian hoặc ba gian hai chái là loại nhà phổ biến trong dân chúng. Không gian của căn nhà vừa để ở, vừa có chức năng thờ tự và tiếp khách. Nhà ba gian phân bố ở vùng nông thôn và cả thành phố. Để tận dụng diện tích làm nhà ở, theo độ che rộng của mái nhà, người ta xây dựng thêm một hoặc hai chái hai bên nhà ba gian.
- Nhà năm gian hai chái  tại Bình Dương được tầng lớp điền chủ, phú gia, trí thức giàu có ưa chuộng. Kiểu nhà này chiếm diện tích đất rộng, kỹ thuật xây dựng công phu, vật liệu tốn kém vì là sự kết hợp giữa kiểu nhà gỗ truyền thống với phong cách kiến trúc và vật liệu xây dựng của phương Tây, thường được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX: nền nhà cao có bậc tam cấp, tường xây gạch dày, tô hồ quét vôi. Cột nhà có khi là cột bê-tông nhưng vì kèo gỗ và lợp ngói, có trần nhà.

Nhà cổ ở Bình Dương cũng thể hiện tính chất chung của nhà cổ Nam bộ, đó là có kết cấu nhà cột giữa (nhà rôi) và nhà xuyên trính (nhà rường) theo hệ thống khung chịu lực truyền thống như ở miền Bắc, miền Trung. Về sau có thêm dạng nhà đúc kết cấu bê tông chịu lực theo kiểu phương Tây.
Nhà cột giữa thuộc kết cấu cổ truyền, cột cái (cột giữa) kết gắn trực tiếp vào đòn dông và giao điểm của hai cây kèo, tạo thành một bộ vì nhà giản đơn, thích hợp với loại hình nhà thô sơ, bán kiên cố. Hạn chế của nhà cột giữa là không gian nhà chật hẹp do sự hiện diện của hàng cột giữa.
Nhà xuyên trính  còn gọi là nhà rường phổ biến hơn nhà cột giữa. Bộ khung sườn nhà này không có hàng cột cái ở giữa nên không gian nội thất khá rộng rãi. Một số nhà rường biến thể là nhà bát dần được xây cất rất qui mô. Mái ngói của dạng nhà bát dần kéo sà thấp xuống (giống như chữ Bát…..trong Hán tự). Bên ngoài nhìn vào kiểu “mái xụ” này thấy nhà có vẻ thấp, nhưng bước vào bên trong sẽ thấy hệ thống kèo cột và trần nhà rất cao làm cho nhà thoáng mát vì kiểu mái đó có tác dụng che mưa và ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới, đồng thời hạn chế được tầm nhìn từ bên ngoài. Nhà ông Trần Công Vàng ở thị xã Thủ Dầu Một là một ngôi nhà rường theo kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 chái, dài 24m, ngang 22m với 6 hàng 24 cây cột, đầu kèo chạm trổ tinh xảo. Cột nhà xưa thường bằng các danh mộc như sao, cẩm lai, gỗ mun.
Bình Dương hiện còn nhiều ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, niên đại trên dưới 100 năm, chủ yếu tập trung ở thị xã Thủ Dầu Một và huyện Tân Uyên, như nhà ông Trần Văn Tề (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), nhà ông Trần Văn Hổ (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), nhà ông Trần Công Vàng (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), nhà ông Nguyễn Văn Đằng (xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên), nhà ông Đỗ Cao Thứa (xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên), nhà ông Nguyễn Tri Quang (xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một)… Trong số đó có hai ngôi nhà được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1993, đó là nhà ông Trần Văn Hổ và nhà ông Trần Công Vàng.
Hầu hết nhà cổ ở Bình Dương có giá trị về mỹ thuật kiến trúc và trang trí là nhà chữ đinh. Riêng nhà của một số gia đình giàu có nổi tiếng ở thị xã Thủ Dầu Một, ở huyện Tân Uyên thì có qui mô khá lớn và hình thức đa dạng chứ không chỉ là kiểu nhà chữ đinh truyền thống. Nhà ông Trần Văn Hổ thuộc kiểu nhà 5 gian 2 chái rất rộng lớn, hoàn toàn bằng gỗ chạm trổ kỹ lưỡng từ cột, kèo đến vách. Kiểu nhà này xưa vốn là đặc quyền của tầng lớp quan lại cao cấp thời Nguyễn, thường dân không được phép xây dựng. Nhà ông Nguyễn Văn Đằng theo kiểu nhà chữ công £¨工¤£©  có hai gian lớn gọi là Đông lang – Tây lang; hay kiểu nhà chữ khẩu £¨口£© (gồm 4 căn với hướng đòn dông tạo thành hình vuông) của ông Nguyễn Tri Quang. Hầu hết những căn nhà cổ vừa nêu trên đều khẳng định chức năng thờ cúng ông bà tổ tiên và thể hiện niềm tự hào về gia tộc trên các bức đại tự như Trung Nghĩa Đường, Trần Miêu Duệ, Nguyễn Phủ Đường… tại gian thờ chính trong nhà.
Việc xây dựng nhà ngày xưa rất công phu. Gia tộc ông Đỗ Cao Thứa cho biết nhà xây 3 năm mới hoàn thành, do những người “thợ Bắc” thi công. Vì địa thế vùng Tân Uyên thấp nên nhà phải đắp nền cao rất công phu. Đất phải lấy từ ấp Bình Hóa (xã Uyên Hưng) vận chuyển bằng xe bò đến bờ sông, sau đó chở đất bằng ghe qua sông rồi mướn người gánh về đổ đắp nền nhà. Nền cao hơn mặt đất 0,8m, xung quanh nền nhà được bọc móng rất kiên cố bằng những tảng đá ong vốn có nhiều ở miền Đông Nam Bộ.

Nhà cổ tại Bình Dương là dấu ấn thời kỳ phong kiến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Hầu hết nhà cửa thời kỳ này còn tồn tại cho tới nay đều nhờ kỹ thuật xây dựng kiên cố với các loại danh mộc quý, chắc như lim, căm xe, cà chất… Khung sườn các nhà xưa hầu hết sử dụng kỹ thuật lắp ghép tự nhiên (lắp mộng) chưa dùng đinh sắt. Các bức vách gỗ phía trước nhà hoặc vách ngăn giữa gian thờ tự với gian nhà trong, những cây kèo, hoành phi, câu đối, bao lam, bàn thờ, trang thờ, bình phong… đều được chạm trổ tinh xảo theo phong cách chạm lộng, chạm thủng, chạm chìm khéo léo. Ngôi nhà vừa là công trình kiến trúc tài hoa, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc phản ánh các giai đoạn của nền mỹ thuật Nam Bộ: giai đoạn sớm là chạm trổ trên gỗ mộc, toàn bộ chỉ để gỗ tự nhiên, giai đoạn muộn hơn là dùng sơn ta để sơn son thếp vàng hoặc cẩn ốc, khảm trai, sơn mài…
Thời kỳ đầu nhà cổ tại Bình Dương được thi công xây dựng và trang trí chạm trổ bởi các nhóm thợ mộc nổi tiếng khéo tay từ miền Trung vào như thợ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Định (thường gọi chung là “thợ Huế”). Bên cạnh đó còn có thợ mộc của “trường phái thợ Thủ” (Thủ Dầu Một) với tay nghề giỏi nức tiếng đã dần đảm trách vai trò chính yếu trong xây cất nhà và trang trí nội thất. “Thợ Thủ” không chỉ  hành nghề ở Bình Dương mà còn ở nhiều nơi khác. Người ta rước “thợ Thủ” về xây nhà và nuôi nhóm thợ trong nhà hàng năm để họ chạm khắc trang trí cho ngôi nhà. Những thế hệ nghệ nhân “thợ Thủ” đã trải nghiệm tài nghệ của mình và lưu danh về kỹ thuật xây cất và nghệ thuật trang trí nội thất những ngôi nhà trên khắp Nam Bộ. Trong “Nam kỳ nhân vật phong tục diễn ca” Nguyễn Liên Phong đã nêu:
…“Nhà khéo cất tốn bạc muôn
Tiếng đồn thợ Thủ ráp khuôn kỹ càng”
Những nghệ nhân nghề mộc khéo léo, tài giỏi của Bình Dương xưa đã để lại những tác phẩm nghệ thuật của mình trên các kèo đùi ếch, trên “lá dung” đầu kèo, bao lam, hoành phi, câu đối, bàn ghế, tủ thờ… được chạm, cẩn tinh xảo, làm nổi bật sắc gỗ mộc thanh cảnh, vàng óng, đỏ tươi và sắc mun ánh ngời bóng loáng của sơn ta, của xà cừ… Đặc biệt toàn bộ vách trước những căn nhà truyền thống ở Bình Dương thường được “thợ Thủ” chạm trổ tỉ mỉ tài hoa, tạo nên vẻ đẹp sinh động nhưng tôn nghiêm cho căn nhà. Từng khung vuông, khung chữ nhật của bức vách trước được chạm khắc nhiều đồ án hoa văn các môtíp điển hình như tứ linh, tứ quý, quả lựu, hoa mẫu đơn… Vách trước cũng thường chạm đôi “mắt cửa” hay biểu tượng của âm dương, nhật nguyệt và khung viền cửa trước (bao lam) thường chạm trổ kiểu đòn võng khéo léo.
Nhà xưa ở Bình Dương hầu hết lợp ngói âm dương, nền nhà lót gạch tàu đỏ. Trong nhà theo mô thức trang trí nội thất thống nhất, gồm bộ trường kỷ gỗ đen ở gian giữa phía trước bàn thờ, hai gian nhà hai bên bày hai bộ ván ngựa. Ở một góc nhà có tủ kiếng để chưng bày các cổ vật kỉ niệm. Bàn thờ, nhất là các câu đối trên cột hoặc các bài minh bằng Hán tự đặt trên bàn thờ tổ tiên đều được cẩn ốc hoặc sơn son thếp vàng. Nội dung các câu đối, bài minh hầu hết đều đề cao lòng hiếu đễ với ông bà tổ tiên, nề nếp gia phong, việc kính trọng và phụng dưỡng cha me. Ngoài dấu ấn đặc trưng của tâm thức Nho giáo đương thời thể hiện như yếu tố chủ đạo trong nội dung các câu đối, bài minh… chủ đề trang trí trong những ngôi nhà xưa tại Bình Dương còn thấy một nội dung khác của văn hoá Nho giáo, đó là những bài thơ cổ tả phong cảnh hay là điển tích xưa. Ngoài đồ trang trí nội thất chủ yếu bằng gỗ như tủ thờ, bàn thờ, trường kỷ, bộ ván, mấy bộ bàn ghế… trong nhà còn có nhiều đồ gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu như đôn tròn, lục giác, đôn voi, chậu kiểng, độc bình. Nhiều ngôi nhà cổ còn có vài vật dụng Tây phương như đèn Măng sông, quạt trần, máy hát đĩa…
Về Bình Dương đắm mình trong không gian tĩnh lặng của những ngôi nhà cổ giữa khu vườn êm ả, tiếng ồn, khói bụi đường xa dường như không len lỏi vào đến nơi đây, cuộc sống xô bồ gấp gáp chốn thị thành dường như không hiện diện ở nơi đây… Chợt thấy mình như được quay về với những ngày xưa yêu dấu…

Suu tam

Monday, March 14, 2011

Bánh bèo bì

Bánh bèo chợ Búng ở Bình Dương ngon đặc biệt nhờ có bì heo ram với nước dừa. Bánh màu trắng, ăn kèm với đồ chua và rau sống rất ngon miệng.
 
Bánh bèo bì 

Bánh bèo ngon phụ thuộc vào bì và nước chấm. Bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng, thêm gia vị là tỏi và bột canh. Thịt heo phải lựa thịt đùi ngon bọc da chung quanh, ram gần vàng. Nước dừa cho vào nồi để lửa riu riu cho nước dừa ngấm vào thịt mới thơm. Kế tiếp là nước mắm, gia vị tưới lên bánh bèo, bún bì hoặc là nước chấm cho món bì cuốn. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua hoặc kiệu muối, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn rồi chan nước mắm vô

Ngày nay, bánh bèo gắn liền với địa danh chợ Búng bởi nơi đây đã làm nên thương hiệu cho bánh bèo bì đất Bình Dương. Từ bánh bèo, dưới bàn tay pha chế và óc sáng tạo, các nghệ nhân nấu ăn đã sáng tạo thêm hai món mới từ bì, góp phần làm cho bữa tiệc bánh bèo thêm phong phú: bì cuốn và bún bì.

Bánh bèo bì và bì cuốn

Đến Bình Dương bạn có thể ghé vào hai quán Mỹ Liên nằm sát quốc lộ 13, gần ngã ba Cầu Cống, hay quán Ngọc Hương trước cửa chợ Búng.

Có thể nói, khi nhìn hàng nghìn chiếc bánh trắng phau phau nằm trên đĩa và hàng rổ bì thái đều tăm tắp, sợi nào cũng giống sợi nào, khiến ai từng nhìn thấy cũng muốn được thưởng thức hương vị của nó.



Banh beo bi -Binh Duong

Banh beo bi -Binh Duong

Được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) mang hương đậm đà đặc biệt. Bánh có vị thịt khìa trộn thính ăn cùng mắm ớt rất ngon.

Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) đổ bằng gạo nguyên được vo đãi thật kỹ. Ngày trước, phần lớn người ta nấu bằng gạo đỏ, một loại gạo ngon, giã mòn cối đá những hạt gạo đỏ vẫn có mầu hồng hồng, chớ không sao giữ trắng bông được. Do vậy, muốn đổ bánh bèo thật ngon phải quấy cho nhuyễn tới lúc các hạt gạo tan thành bột đặc quánh trong nồi, người ta đem trộn chung với nước cốt dừa vắt kẹo nẹo. Quấy được nồi bột với nước cốt dừa ưng ý xong, mới đổ vào khuôn bánh bèo rồi đem hấp cho thật chín.

Công đoạn tiếp theo là dùng đậu xanh đãi vỏ nấu thật nhừ ra, quấy đều, làm nhân phết trên mặt bánh bèo.

Thịt heo nạc khìa với nước dừa, đem thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, rải thính vào cho thơm và thấm đều. Tô nước mắm chua ngọt tỏi, ớt, chanh được pha sẵn. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn chan nước mắm vô, ăn mới cảm thấy hết hương vị đặc trưng của món bánh bèo bì chợ Búng tuyệt chiêu. Gia vị chủ lực là mùi thịt khìa thái nhỏ trộn thính, ớt tươi cay, mùi vị thơm hòa quyện cùng bột bánh, nhân đậu xanh, vừa bùi, vừa béo với các loại rau thật hấp dẫn.
1. Trước hết là bì : Bì là hỗn lợp thịt heo xắt mỏng từng sợi da heo ram sắt mỏng từng sợi thính tức là gạo rang xay nhỏ tỏi xắt nhỏ muối bọt bột ngọt. Thịt heo phải lựa thịt đùi ngon bọc da chung quanh (tiếng Pháp gọi là rouelle de porc pour le jambon) và khi ram gần vàng, phải để nước dừa tươi vào rồi để lửa riu riu cho nước dừa rút vào thịt cho thơm. Khi thịt ram gần cạn nước hơi sệt sệt thì phải trở thịt qua lại nhiều lần đừng để cháy. Xong để thịt ram thật nguội rồi mới lấy dao yếm thật bén thái thịt từng lát mỏng dài. Khi thái thịt mà thịt heo không gảy thì thịt đó ngon và bì trộn mới ngon. Trộn bì cũng phải theo thứ tự đúng phương pháp thì bì mới ngon thơm. Đó cũng là bí quyết của chủ quán. Tỏi phải nồng và thơm. Thính phải thơm phức. Không thơm tức là thính cũ, đừng bao giờ xài làm giảm hương vị của bì. Thái da heo ram phải thật mỏng, chiều dài 4 hoặc 5 phân, rồi sắt sợi nhỏ theo chiều dài. Để đỡ mất thì giờ, người Việt ở mình ở các nước Âu Mỹ thường đến tiệm Việt Nam mua da heo phơi khô, tiếng Pháp gọi là Couenne sèche en filaments (tiếng Mỹ là Dried shreaded pork skin) đem về ngâm nước độ một giờ đồng hồ cho da heo nở, xong vắt ráo nước để 10 phút sau là dùng trộn bì được.

2. Kế là nước mắm: Nước mắm bì là nước gia vị để tưới lên Bánh Bèo , Bún Bì hoặc là nước chấm cho Bì Cuốn. Khẩu vị của nó rất quan trọng, nếu không thơm ngon thì nó làm cho các thực đơn trên giảm hương vị. Nó giống như nước lèo tô phở bò hoặc nước lèo tô hủ tiếu vậy. Nước mắm ngon dễ biết ngay. Khi chan vào Bánh Bèo Bì ăn thấy thơm ngọt, ăn rồi nước mắm còn trong dĩa, thèm còn muốn húp cạn và ăn xong khi đứng dậy sắp ra về vẫn thấy còn dư hương trong cổ. Nước mắm bì gồm hỗn hợp nước mắm ngon (nhiều chất đạm) pha loãng với nước ấm đường củ kiệu thấu chua cà rốt sợi thấu chua tương ớt bột ngọt ít nhiều tùy người. Điều chế nước mắm gia giảm tùy theo khẩu vị cá nhân cũng nằm trong bí quyết của chủ tiệm vì ăn Bánh Bèo Bì rồi, thấy ngon cứ thèm hoài, không thể đi ăn tiệm khác được. Người ăn cảm thấy dường như mình bị cai và bắt đầu ghiền ăn tại tiệm đó hoài.

3. Kế nửa là Bánh Bèo: Món nầy, chắc tất cả đồng hương ai cũng biết làm. Bánh Bèo ngon nhìn trắng, có xoáy, ăn thấy vừa cứng vừa dai. Đó là bí quyết cách pha bột gạo, bột năng và nước. Hiện nay ở các cửa hàng Việt Nam có bán mâm nhôm và trũng, đổ và hấp từ 20 đến 30 bánh bèo một lần mà không phải dùng chén nhỏ để hấp trong xửng như trước đây. Trước khi rắc bì và rau, chủ quán trét nhưn đậu xanh thơm bùi lên mỗi bánh bèo để tăng khẩu vị. Tại miền Trung, thay vì rắc bì, chủ quán cho rắc tôm chấy ăn cũng hấp dẫn. Muốn thưởng thức Bánh Bèo Tôm Chấy, đồng hương có dịp đi Huế nhớ ghé quán Âm Phủ nằm phía sau đường Lê Lợi chạy dọc sông Hương.

Nói tóm lại, mỗi năm khách du lịch từ Sài Gòn đổ xô về Bình Dương để mua sầu riêng, dâu , chôm chôm tróc, măng cụt v.v... tại vườn dọc theo quốc lộ 13 từ Lái Thiêu đến Bình Nhâm, Búng, Phú Văn .. xong thì khó quên ghé chợ Búng vào một trong hai quán Mỹ Liên hoặc Ngọc Hương để lót lòng món Bánh Bèo Bì hoặc Bún Bì.

Đặc biệt vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, và ngày lễ, khách ăn đến Búng rất đông, xe hơi đậu nối đuôi nhau trước quán ăn, dọc theo quốc lộ 13 đôi khi làm cản trở lưu thông bắt cảnh sát phải can thiệp. Thông thường, trước khi ăn hai món Bánh Bèo hoặc Bún Bì, khách nhậu khai vị món Bì Cuốn kèm theo nem chua, đồ thấu (củ kiệu, củ hành, củ tỏi chua ..) lai rai với bia hoặc rượu mạnh (Whisky, Cognac, rượu đế ..) và không quên xin thêm một dĩa tỏi nguyên để cắn khi ăn Bì Cuốn. Đồng hương có thể gọi trước khi dứt tiệc thêm vài gói Bì Cuốn (có rưới nước mắm) để mang về nhà cho gia đình (fôds to go). Đặc biệt nhờ bánh tráng dẻo, Bì Cuốn mua từ sáng để tới chiều vẫn không cứng, nước mắm không rỉ, ăn vẫn ngon mằn mặn như mới mua vậy. Đồng hương có thấy chủ tiệm sành nghề chưa ? Bí quyết mà ! Và nhờ vậy mà mọi người khi nghĩ hoặc nói đến Bình Dương là họ phải nhớ đến món ăn đặc sản Bình Dương tại chợ Búng. Đó là Bánh Bèo Bì, Bún Bì và Bì Cuốn. Thơ rằng:

Anh về chợ Búng nhớ em Sầu riêng , măng cụt nhớ đem quà về Nếu anh mà có ô kê Bánh Bèo, Bì Cuốn, khỏi chê anh rồi!

Suu tam

Dấu xưa thổ mộ

Tên gọi xe thổ mộ và xuất xứ của xe còn nhiều thông tin khác nhau như tên gọi xe thổ mộ tại vì cái mui khum khum của nó giống ngôi mộ, vì xe ban đầu được dùng để chở quan tài ra mộ để chôn. Hoặc thổ mộ là tên gọi trại từ xe thảo mã của Trung Quốc, hay thổ mộ là cách gọi tắt nói nhanh của địa danh Thủ Dầu Một… Cũng như xuất xứ của chiếc xe thổ mộ đầu tiên ở Nam Bộ có người cho là ở Sài Gòn nhưng cũng có ý kiến cho rằng xe thổ mộ có ở Bình Dương trước tiên. Nhưng gọi xứ Bình Dương là xứ của xe thổ mộ thì không ai tranh cãi, chẳng vậy mà trong vè 47 chợ, đặc trưng này đã được khẳng định: “Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang; Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một; Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…”. Những thập niên 40, 50 là giai đoạn phát triển mạnh của xe thổ mộ, tại chợ Thủ Dầu Một có đến 3 bến xe thổ mộ nhộn nhịp mà lúc tập trung đông nhất cũng trên 50 chiếc. Không chỉ vậy Thủ Dầu Một còn có nhiều trại đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bền chắc. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe “thùng Thủ” để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định “đẳng cấp” của mình. Xe thổ mộ khi đó có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển. Những ngày tháng đó trên khắp nẻo đường dẫn ra chợ vào mỗi sáng tinh sương, tiếng lốc cốc, lốc cốc đều đều của vó ngựa; tiếng lục lạc ngựa vang leng keng, leng keng; tiếng hô “họ,họ” điều khiển ngựa của người xà ích… là những âm thanh cuộc sống trong hồi tưởng của nhiều cụ già đất Thủ Dầu.

Suu tam

Lai Thieu voi nguoi Sai Gon xua

Tac gia: Nam Sơn Trần Văn Chi
Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo, cưới vợ Lái Thiêu (Ca dao)


Năm xưa, có bao chàng trai người Minh Hương bỏ tiền ra mua cho được chiếc giường lèo (giường bằng gổ, có chạm trỗ) với ước mong cưới được những cô con gái Việt hương sắc ở Lái Thiêu ? Không ai biết. Có điều tôi biết chắc là người Sài Gòn xưa mong cuối tuần đi Lái Thiêu đổi gió và ăn trái cây, nhứt là cứ độ từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa trái cây ở Lái Thiêu chín rộ.


Đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Đất Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Phần với đồng bằng sông Cửu Long nên thế đất bằng phẳng hơi dốc, có độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Và Lái Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trải rộng trên diện tích 1,250 ha.


Thuở trước, Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một. Đến tháng 12 năm 1899 tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tới thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Bình Dương (là một trong 22 tỉnh của Nam Phần Việt Nam được thiết lập theo Sắc lịnh số 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956) bao gồm tỉnh Thủ Dầu Một và một phần tỉnh Bình Long, có 5 quận, tỉnh lỵ là Phú Cường. Người Bình Dương trong lịch sử của mình đã làm nên di sản văn hóa miệt vườn “đặc trưng miền Đông” và làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, đồ gốm và tranh sơn mài, tiếng tăm vang lừng cả nước cho tới ngày nay.


Lái Thiêu cách Sài Gòn khoảng 20 km, thuở xưa là nơi nghỉ cuối tuần tuyệt diệu “dành riêng” cho người Sài Gòn. Lái Thiêu còn nổi tiếng là điểm hò hẹn của các lứa tuổi… Lái Thiệu tuyệt vời như thế nhưng hồi đó đâu phải người Sài Gòn nào cũng biết thưởng thức Lái Thiêu đâu!
Qua khỏi cầu Bình Triệu, theo Quốc lộ 13 đi khoảng 20 phút chúng ta sẽ đi vào Lái Thiêu, một vùng đất vườn cây xanh tốt, mát lạnh (trung bình 26 độ, mùa tết 24 độ C), không khí trong lành. Vào trong làng, sâu vào là những nhà vườn, nơi đây có sông có rạch đưa nước len lỏi vào từng góc vườn, có những con đường đất đỏ quanh co theo các lùm cây rợp bóng trái trĩu trên đầu…
Người Sài Gòn đến Lái Thiêu một phần vì tiếng đồn “Sầu riêng Lái Thiêu”.


Quả không sai! Nói đến Lái Thiêu không thể không nhắc cái tên “Sầu riêng Lái Thiêu”. Trái sầu riêng ở đây được liệt vào hàng ngon, bổ nhứt và đắt giá nhứt. Sầu riêng trồng được ở Lục Tỉnh nhưng trái không ngon bằng sầu riêng trồng ở Lái Thiêu.


Người Pháp gọi trái sầu riêng là Durian, hay Durion. Người Việt mình gọi là sầu riêng, và phải chăng tiếng “sầu riêng” do ta đọc trại từ tiếng “Djoerian” của người Malaysia mà ra chăng? Trái sầu riêng không giống trái mít như có người lầm tưởng!
Cây sầu riêng có tên khoa học là Durio Zibethinus, hay Durio Capparis thuộc họ thảo mộc Malvacées hay Bombacacerae, cùng họ với cây gòn- gạo, cây bông vải. Bổ tách trái sầu riêng ra, bên trong có nhiều múi như trái gòn, trái bông vải.
Cây sầu riêng nguyên thủy mọc ở rừng Malaysia, người ở đây gọi là cây Djoerian. Người Tàu sang Malaysia buôn bán, họ mang hột về trồng tại Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, có một số cố đạo truyền giáo Gia Tô theo vô xứ Lái Thiêu, và những nhà truyền giáo nầy đã mang nhiều giống cây trái lạ từ các xứ khác vào đây, trong đó có cây sầu riêng. Người Lái Thiêu kể lại, vào năm 1890 có cố đạo người Pháp tên là Cernot đem hột sầu riêng từ xứ Nam Dương về trồng ở họ đạo Tân Quy. Có lẽ đây là cây sầu riêng đầu tiên của Lái Thiêu?


Cây sầu riêng cao lớn tới 20m. Lá hình bầu hơi dài, hoa mọc ở nhánh, trái to, vỏ có gai rất nhọn. Trái cho nhiều múi, mỗi múi có từ 1 đến 5 hột như hột mít. Hột có bao bọc một lớp cơm mềm, màu trắng vàng óng như màu mỡ gà, giống như múi mít mật, mít ráo.
Sầu riêng chín có mùi rất đặc biệt, gọi là mùi sầu riêng. Mùi xuất phát từ lớp cơm sầu riêng, bay xuyên qua vỏ tỏa ra ngoài. Mùi sầu riêng mạnh hơn mùi mít, người thích thì khen là thơm, ai không ưa thì cho là mùi “khó chịu”. Nói gì thì nói là hễ đã "chịu ăn" sầu riêng rồi thì thấy nó ngon-bùi-béo-thơm và ghiền luôn ...
Cây sầu riêng trổ bông ba đợt trong một năm, cho 60 đến 90 trái. Từ khi trổ bông đến khi trái đậu là 20 đến 25 ngày, và từ ngày trổ bông đến ngày kết trái và chín là 5 tháng. Mùa sầu riêng từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Sầu riêng khi “chín mùi” thì tự nhiên ban đêm rụng xuống gốc. Chủ vườn không ai để trái chín mùi cả, mà cắt sầu riêng trước khi chín, nhiều khi trái đem đi bán hãy còn xanh là vậy.


Mua sầu riêng phải là “người chuyên môn” mới biết trái sầu riêng nào ngon. Sầu riêng chín già bao giờ cũng ngon hơn trái non đem “dú ép” cho chín giả. Trái già nhìn vỏ có màu vàng đậm, gai nở cách xa nhau, gay to và đều. Trái vỏ còn xanh thì phần nhiều ruột chưa chín hết, cơm mỏng và không mềm. Cho nên khi mua, có người đòi người bán khoét một lỗ - gọi là thử: coi màu sắc, coi cơm cứng hay mềm, nếm ngọt lạt ... Vây mà nhiều lúc vẫn bị lầm!


Có người cho rằng sầu riêng ăn rất bổ, giúp nhuận tràng, ăn vô thấy hết mệt nhọc. Những người mà da khô hay nứt nẻ, có gai, nhất là phụ nữ, ăn nhiều sầu riêng sẽ làm cho da nhẵn mịn. Ngày xưa phụ nữ ở Malaysia thường lấy cơm của trái sầu riêng và mỡ của trái bơ làm thuốc xoa bóp cho da trở nên mịn, đẹp, chắc và bóng mịn.
Măng cụt Lái Thiêu cũng là trái cây níu kéo người Sài Gòn.
Măng cụt loại trái cây được xem là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới, trái có hình dáng đẹp dễ thương và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Trái măng cụt chín có màu tím sẫm nhìn bắt mắt, bổ ra bên trong màu trắng tinh gợi cảm, hương thơm dịu mát quyến rủ, và bạn có thể ăn no mà không sợ đầy bụng.
Măng cụt Lái Thiêu trồng theo kỷ thuật cách 6-7m/cây theo hình vuông, tàn cây không được giáp nhau nên phải tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Măng cụt được trồng từ hột cũng có đặc tính giống như cây mẹ, độ 8 - 10 tuổi mới cho trái. Cây măng cụt trổ bông thay lá vào tháng 2, tháng 3. Mùa trái chín từ tháng 5 đến tháng 7.
Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới thì măng cụt (Garania Mangostana Linn) là 1 trong 10 “siêu trái cây”, vì măng cụt là sự kết hợp hoàn hảo về nhiều mặt như: hương vị thơm ngon đặc sắc, hình dáng và màu sắc đẹp mắt, giàu dưỡng chất, có khả năng chống oxy hóa và giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh tật. Vỏ măng cụt được xắt lát, sấy khô, rồi nghiền thành bột trị bệnh kiết lỵ.
Măng cụt không chỉ có ở Lái Thiêu miền Đông, mà còn được trồng vùng Lục Tỉnh như Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, và trong đó Bến Tre măng cụt trồng xen trong vườn dừa lão. Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 4,500 ha đất trồng măng cụt, chiếm 77% diện tích cả nước vì ở Bến Tre cây măng cụt phát triển rất tốt.


*
Giai thoại kể rằng vào đầu thế kỷ 17, Lái Thiêu bấy giờ còn là một vùng đất hoang với bạt ngàn rừng rậm. Trong số những người Minh Hương đầu tiên đến lập nghiệp ở Lái Thiêu, có gia đình của một người đàn ông họ Lục làm nghề gốm. Con trai của ông là Lục Thành Tài đã đem lòng yêu một cô gái người Việt, nhà ở bên kia sông Rạch Tra. Hàng ngày, cô gái thường chèo ghe, chở mắm, khô đến bán cho lò gốm. Gia đình hai bên biết được, đều ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết tâm tìm đến nhau. Cuối cùng, mối tình của họ đã phải kết thúc bằng hai cái chết bi thương.


Sau đó, trên mộ hai người mọc lên một loài cây lạ, trái của nó có vỏ ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong thì thơm ngon đến lạ lùng. Người dân địa phương đã đặt tên cây là sầu riêng để tưởng nhớ tới mối tình chung thuỷ của đôi trai gái và Lái Thiêu cũng nổi danh về trái cây từ đó.


Cây sầu riêng cao trên 20m, trái nặng từ 2 – 5kg, khi chín tự rụng xuống. Điều kỳ lạ là trái sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm nên không hề có trường hợp rơi vào đầu người. Người cho đó là do sự linh nghiệm của chàng trai Minh Hương và cô gái Lái Thiêu.


***


Đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Lái Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trái. Lái Thiêu xưa là nơi hò hẹn của người Sài Gòn. Lái Thiêu là nơi người Sài Gòn cuối tuần đi đổi gió.
Lái Thiêu giờ đây ngày nào cũng phải đón khách, và đang chịu sự hủy hoại môi trường!
Lái Thiêu của người Sài Gòn xưa giờ đây phải chăng chỉ còn là kỹ niệm để nhớ để thương? Tiếc thay!