Saturday, August 16, 2014

Xuất xứ tên Thủ Dầu Một

Tên của tỉnh Thủ Dầu Một thông thường được viết là Thu-do-mot, nhưng cách viết đúng phiên ra chữ Quốc ngữ là Thủ Dầu Một. Tên này gồm có ba chữ được viết theo cú pháp của Hán tự là « Một-dầu-thủ » và có nghĩa là « trạm có cây dầu duy nhất » (cây dầu là cây có dầu rất phổ biến trong vùng).

Nguồn gốc của tên này đã đi vào truyền thuyết: một đồn lính có nhiệm vụ canh gác sông Sài Gòn có lẽ đã được thiết lập tại địa điểm hiện thời của trụ sở của Sở Thanh tra và dãy nhà phụ thuộc. Đồn này đóng ngay giữa một khu rừng gồm toàn cây dầu cao lớn trong đó có một cây đạt kích thước thật là hùng vĩ. Đó thật là một cây dầu duy nhất. Đặc điểm này khiến cho dân bản xứ đặt tên đồn đó dưới tên Thủ Dầu Một. Sau khi đồn này bị dẹp bỏ, một ngôi chùa được dựng lên cũng ngay trên địa điểm đó, sau đó chùa bị phá hủy để xây trụ sở của sở Thanh tra, văn phòng làm việc, trại… và đặt tên Thủ Dầu Một cho thị trấn trở thành tỉnh lỵ này.

Dưới thời Nhà Nguyễn của người An Nam, tỉnh mang tên Bình An.

Trích lược trong : « MONOGRAPHIE DE THUDAUMOT. 1909 »


Bài từ Facebook của Văn Phúc

Tuesday, August 12, 2014

Sự ra đời, biến mất, rồi lại tái xuất hiện của một ngôi trường

      

Tựa đề bài viết này có phần dông dài nhưng có như vậy mới nói lên được số phận long đong của một ngôi trường trung học chào đời cách nay trên nửa thế kỷ ở tỉnh Bình Dương.

       Nói về chuyện long đong thì chắc nó chỉ chịu thua có nàng Kiều của cụ Nguyễn Du tí chút, chứ nhất quyết không chịu kém cạnh bất cứ một trang lứa  nào khác ở miền Nam sau 30-4-75, kể cả Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và Gia Long ở Sài Gòn, Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, Trường Tống Phuớc Hiệp ở Vĩnh Long,.. bởi lẽ sau ngày 30 tháng 4 năm 75 các trường này còn được tiếp tục làm nhiệm vụ bình thường của mình, chứ Trường Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương thì dứt khoát bị buộc phải “thôi việc” (Nó bị chấm dứt nhiệm vụ kể từ năm học 1976 -1977).

       Tuy vậy, và đây đúng là chuyện thế gian hi hữu, sau 15 năm, ngang bằng thời gian truân chuyên, chìm nổi của nàng Kiều, ngôi Trường đã bị bức tử, lại được phục sinh với tên họ cũ, và khai giảng năm học 1990 – 1991 vào đúng thời điểm bắt đầu học kỳ II, cũng y hệt như lần khai giảng niên khoá đầu tiên của Trường vào năm 1955. Trong khi đó, các Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và Gia Long ở Sài Gòn, Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ… với một bề dày truyền thống và một lịch sử tồn tại không bút mực nào tả xiết… đã vĩnh viễn bị xoá tên, và cho đến nay chỉ còn tồn tại trong ký ức của mọi người.

      Các thế hệ học sinh của mấy ngôi trường vang bóng một thời đó chỉ còn biết ngậm ngùi cho số phận những chiếc lá xa cành không còn biết nẻo mô để lần về nguồn cội.

      Những ai từng có một  thời niên thiếu hoặc thanh xuân đầy mật ngọt, trải qua trong khung cảnh nên thơ của một trường trung học hoặc một “campus” xanh tươi hay trầm mặc của một trường đại học, chắc không thể nào tránh được được những cảm xúc bùi ngùi như thế. Cũng may mà ngôi trường Trung Học được may mắn mang tên vị văn quan lỗi lạc có những cống hiến xuất sắc trong lịch sử văn hoá, xã hội của nước Việt Nam thời cận đại ở tỉnh Bình Dương, đã sớm được trả lại sự công bằng mà nó đã bị tước đoạt, bởi việc xoá sổ nó cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận một Truyền thống Giáo dục tốt đẹp bậc nhất, cùng với những thành quả quý báu  mà nó đã cống hiến cho xã hội nói chung và cho tỉnh Bình Dương nói riêng.

       Bây giờ chúng ta quay trở lại đầu đề của bài viết, mà mục đích là nhằm nói lên sự Ra Đời, sau đó Biến Mất, rồi lại Tái Xuất Hiện của Trường Trịnh Hoài Đức  trong giai đoạn lịch sử mấy mươi năm qua của Tỉnh Bình  Dương.

       Cho đến nay Trường Trịnh Hoài Đức  đã có một lịch sử tồn tại hơn nửa thế kỷ, cùng thời với hầu hết các trường trung học công lập đầu tiên trên các tỉnh thành  miền Nam, thời kỳ sau khi Hiệp Định Genève 1954 về VN và Đông Dương ra đời, như các trường: Ngô Quyền ở Biên Hòa, Châu Văn Tiếp ở Bà Rịa, Cường Để ở Quy Nhơn, Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, Trần Cao Vân ở Quảng Nam, Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu ở An Giang v.v... Cho tới thời điểm đó, Sài Gòn và các đô thị quan trọng khác như Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Mỹ Tho,... đã có những trường trung học lớn do người Pháp thành lập từ rất sớm được gọi là các lycées và collèges như  các Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Trường Gia Long ở Sài Gòn, Trường Quốc Học và Đồng Khánh ở Huế,  Le Myre de Villers ở Mỹ Tho,  Phan Thanh Giản ở Cần Thơ v.v… Hầu hết các tỉnh còn lại trên toàn miền Nam chưa có một trường trung học công lập nào. Vài địa phương cũng có những trường trung học tư thục chưa đầy đủ, do các nhà giáo có uy tín và những nhà trí thức có tâm huyết đứng ra thành lập và điều hành. Những học sinh con em các gia đình khá giả, sau khi thi đậu bằng Tiểu học, có thể vào học ở những trường tư thục đó, hoặc nếu gia đình có điều kiện, lên Sài Gòn thi tuyển vào các trường  công lập như Pétrus Trương Vĩnh Ký (nếu là nam sinh) hoặc Gia Long (nếu là nữ sinh), hoặc nếu như không vào được các trường công lập thì có thể theo học tại các trường trung học tư thục khá nổi tiếng thời đó như Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê.v.v.., hoặc những trường trung học công giáo do các Frères và các Soeurs điều hành.

       Vậy mà, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi Hiệp Định Genève 1954 ra đời, các trường trung học công lập đầu tiên  trên toàn miền Nam đều đồng thời xuất hiện. Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức  Bình Dương khai giảng năm học đầu tiên 1955-1956 ngay sau khi trường mới vừa xây dựng xong 6 phòng học, gồm một tầng trệt và một tầng lầu với 3 lớp Đệ Thất, 2 lớp nam sinh, 1 lớp nữ sinh. Số học sinh  năm đầu tiên là 150. Ngày khai giảng, trường còn chưa có hiệu trưởng hay ban giám hiệu, cũng chưa có các thầy, cô thực thụ giảng dạy các môn học theo như chương trình mà Bộ Giáo Dục quy định. Các thầy giáo khi đó chỉ là các giáo viên đứng tuổi, được Ty Tiểu Học Bình Dương điều động đến để trông nom học sinh là chính. Trường khai giảng vào ngày Mồng Năm Tết âm lịch,  muộn mất một học kỳ. Thế là suốt một học kỳ còn lại của năm học 1955-1956, học sinh 3 lớp Đệ Thất (lớp 6) đầu tiên của trường được tận hưởng những ngày tháng tuyệt vời: vừa học vừa chơi, thời gian ở ngoài sân trường nhiều hơn trong lớp học, ở ngoài đồng nội,  vườn cây, sân bóng,.. Chơi nhiều hơn học: đánh đáo, đánh chuyền, ăn vặt, đá bóng, tắm sông, lội suối, hái trái,  trèo cây v.v…

       Cũng cần nói thêm là, trước khi Trường Trịnh Hoài Đức ra đời, tại tỉnh lỵ Phú Cường đã có 2 trường trung học tư thục thành lập trước đó vài năm là các Trường Trí Đức và Nguyễn Trãi. Nhiều thế hệ học sinh ở Bình Dương từng học ở hai trường đó. Cũng có người về Sài Gòn học, do gia đình họ khá giả.

       Hầu hết học sinh khoá đầu tiên của Trường Trịnh Hoài Đức, trong khi chờ đợi xây trường, đều đã mất một hoặc hai năm chờ đợi ở các lớp Tiếp Liên (là lớp học mà các trường tiểu học khi đó mở ra để ôn tập cho các học sinh đã có bằng Tiểu Học trong khi chờ đợi kỳ thi tuyển vào các trường trung học). Vì vậy, khi được tuyển vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) Trịnh Hoài Đức, có một số trường hợp hai hoặc ba anh, chị, em trong một nhà cùng học chung một lớp. Phạm vi tuyển sinh của trường khi đó và mãi cho tới trước năm 1975 là mở rộng ra toàn tỉnh. Mọi học sinh, không phân biệt địa bàn cư trú, trong tỉnh hay ngoài tỉnh, nếu  đã đậu bằng Tiểu Học, đều được phép dự thi. Vì vậy, kể từ những năm đầu tiên cho tới sau này rất nhiều học sinh trúng tuyển từ các quận, huyện xa xôi trong tỉnh, thậm chí từ các tỉnh khác như Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Hậu Nghĩa v.v… đến ở trọ trong các khu vực dân cư gần trường, xung quanh khu vực An Thạnh – Búng, đặc biệt là tại các chùa ở địa phương để đi học...

       Cũng không ít các thầy cô là người Sài Gòn và các nơi khác được bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển về dạy tại Trường Trịnh Hoài Đức, cũng thuê nhà, mua nhà, hoặc ở trọ gần Trường để đi dạy.

      Thời đó học sinh thường đi bộ hoặc  đi xe đạp đến Trường. Còn với những học sinh nhà ở xa thì phương tiện vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi mà rẻ tiền là các xe Đò và xe Lô chạy lộ trình Bình Dương–Sài Gòn, và ngược lại, chỉ cách 10 phút là có một chuyến. Xe Đò là loại xe khách sơn màu đỏ có từ 30–40 chỗ ngồi. Xe Lô là loại xe  nhỏ hơn (8–10 chỗ ngồi) sơn nhiều màu khác nhau và di chuyển nhanh hơn. Học sinh phần lớn sử dụng xe Đò, và tất cả đều được giảm 50% giá vé so với hành khách thông thường. Sau này, cụ thể là từ năm 1964 -1965 trở đi, khi loại xe chở khách 3 bánh có tên là xe “Lam” (do từ Lambro, Lambretta), chở được từ 8–10 người, rất  nhanh chóng và tiện lợi, được đưa vào sử dụng, thì học sinh thích sử dụng loại phương tiện này hơn, vì loại xe này đưa học sinh tới tận cổng trường và trước giờ tan trường đã có mặt trước cổng trường để rước học sinh và thầy cô về nhà.

       Những ai được tận mắt nhìn thấy quang cảnh nhộn nhịp của khu vực An Thạnh–Búng vào trước giờ nhập học và tan trường thời ấy không khỏi tiếc rẻ cho hình ảnh đẹp của một quá khứ còn chưa xa, nhưng đã vĩnh viễn chìm sâu vào quên lãng.

      Cho đến hôm nay hồi tưởng lại sau hơn 50 năm, người viết bài này không khỏi giật mình tự hỏi không biết vì sao, vào các thập niên 50-60 của thế kỷ trước, tại vùng đất hiền hoà, trù phú và xanh tốt quanh năm này, nơi vốn đã được biết đến từ lâu như là quê hương của sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, chôm chôm,.. và những món ăn chơi tinh tế mà hương vị độc đáo của nó không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác, là bánh bèo, bì bún, bì cuốn của thương hiệu Mỹ Liên,.. hàng ngày lại có thể diễn ra một nếp sinh hoạt hiền hoà, dung dị, nề nếp và lịch sự đến như vậy?

       Phải chăng, khi người dân thấy rằng khát vọng học tập, mở mang trí tuệ, và ước nguyện  cho con em mình vươn lên trong cuộc sống, nhờ vào học vấn, đã được đáp ứng một cách tốt đẹp, thì đáp lại mọi người phải có nghĩa vụ tạo ra những điều kiện vật chất và tinh thần tốt  nhất, có thể được, để hỗ trợ cho việc dạy và học của học sinh và nhà trường, kể cả việc ăn ở và cư xử như thế nào để con em mình không hổ thẹn với đời. Thầy cô, nhà trường được tiếp đón bằng tình cảm yêu thương, quý trọng. Còn học sinh được xem như là vốn quý của cộng đồng và xã hội. Suy nghĩ này có lẽ không quá viễn vong, bởi lẽ xã hội Việt Nam từ ngàn  xưa vốn là một xã hội nông nghiệp, đời sống kinh tế, vật chất của đại bộ phận người dân còn rất thấp cho nên việc chăm lo cho con cháu học hành giỏi giắn để thoát nghèo và tiến thân luôn là lời giải duy nhất cho bài toán kinh tế, xã hội và văn hoá  của mọi gia đình:

“Muốn sang thì bắt câu kiều
 Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy… ”

       Tỉnh Bình Dương vốn là một vùng đất xưa kia thuộc Phiên Trấn (Gia Định), cùng với Trấn Biên (Biên Hoà- Đồng Nai), đã có một lịch sử an cư trên hai thế kỷ. Vùng đất nầy đã có truyền thống hiếu học, tôn trọng lễ giáo, lại sớm tiếp xúc với nền văn minh phương Tây nên sự ra đời của Trường Trịnh Hoài Đức là sự kiện văn hoá – xã hội trọng đại nhất của tỉnh Bình Dương trong nửa sau của thế kỷ 20. 

       Từ những năm đầu tiên cho tới khi chấm dứt nhiệm vụ vào năm 1976, Trường Trịnh Hoài Đức đã cung cấp cho tỉnh Bình Dương nhiều thế hệ thanh thiếu niên được giáo dục thật chu đáo. Sau này, vào thập kỷ 60 còn có sự đóng góp của một trường trung học công lập thứ 2 là Trường Trung Học An Mỹ, toạ lạc tại xã An Mỹ, cách tỉnh lỵ Phú Cường 7 km, và Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bình Dương nằm kề bên Trường Trịnh Hoài Đức, tại khu vực An Thạnh-Búng.

       Trong lịch sử 20 năm tồn tại của nó, Trường Trịnh Hoài Đức  đã có nhiều học sinh xuất sắc, sau nầy nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong xã hội, không những trong tỉnh Bình Dương, mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước và ở nước ngoài. Cho đến hôm nay, ba mươi lăm năm sau ngày đất nước thống nhất và sau mười lăm  năm xoá bỏ rồi tái lập lại, danh tiếng của Trường Trịnh Hoài Đức vẫn còn nguyên vẹn. Ba chữ Trịnh Hoài Đức vẫn là niềm tự hào của những ai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bình Dương,  mà hiện nay có thể đang có mặt khắp chân trời góc biển.

       Đối với người Bình Dương hôm nay, ba  chữ TRỊNH HOÀI ĐỨC vĩnh viễn là một giá trị  tinh thần không thể phủ nhận. Trong giao tiếp hằng ngày họ chỉ dùng nhóm từ “Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC” ngắn gọn để chỉ ngôi trường rất được yêu quý và kính trọng đó, như cách người ta gọi “Trường Pétrus Ký” hay “Trường Gia Long”, “Trường Trưng Vương”, “Trường Võ Trường Toản” v.v.., chứ không gọi theo cách thông thường là Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức  hay Trường Trung Học Phổ Thông Trịnh Hoài Đức  như cách  gọi  hiện nay. 
    
       Liên quan đến việc ra đời của ngôi trường danh tiếng này, cho đến hôm nay, vẫn còn hai điều bí ẩn mà hiện nay không một ai, kể cả người viết bài này là  học sinh thế hệ đầu tiên của trường, học ở đó gần 7 năm, và từ năm 1965  dạy và công tác ở đó gần 10 năm nữa, cũng không sao biết được, đó là:

       1.Thứ nhất: Việc chọn vị trí xây trường

       Ai, hoặc những ai là người quyết định chọn vị trí đó, một vị trí nằm cách trung tâm tỉnh lỵ đến 5 km và cách chợ Búng hơn 1 km, chứ không phải một vị trí nào khác, bởi khi đó tỉnh Bình Dương dân cư còn thưa thớt và đất công thổ còn rất nhiều? Câu hỏi “Ai hay những ai là người quyết định chọn vị trí đó không quan trọng bằng câu hỏi: “Tại sao chọn vị trí đó?”, bởi vì dù người đó hay những người đó là ai, thì đó cũng là một quyết định táo bạo nhưng vô cùng đúng đắn và chính xác, thể hiện một tầm nhìn mang tính quy hoạch và viễn kiến cao.

       Tỉnh Bình Dương khi đó dân số chưa đông đúc như hiện nay và đất công thổ còn rất nhiều, việc chọn lựa vị trí xây dựng một trường trung học, lại là trường trung học đầu tiên của tỉnh, không gặp bất cứ một hạn chế nào. Nhưng tại sao lại chọn một vị trí nằm giữa một cánh đồng  cách xa tỉnh lỵ đến 5-6 km, và từ đó đến trung tâm quận Lái Thiêu (Thuận An hiện nay) cũng một khoảng cách tương tự?
      
       Tỉnh Bình Dương đất rộng nhưng các quận, huyện (khi đó gọi chung là quận), phía Bắc và Đông Bắc như Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo (Đồng Phú ngày nay) đều rất thưa người. Chỉ có phần đất phía Nam, tính từ tỉnh lỵ Phú Cường đến quận Lái Thiêu, trải dài dọc theo Quốc lộ 13 và  sông Sài Gòn theo hướng bắc nam, trên một không gian từ 10 đến 15 km, là khu vực đông dân và trù phú nhất. Chính trung tâm điểm của khu vực đông dân đó (tức khu vực An Thạnh – Búng) mới là vị trí lý tưởng để xây trường Trung học công lập đầu tiên của tỉnh. Mặc dầu, khi nó mới ra đời,  nhiều người không khỏi cảm thấy  khó hiểu  về vị trí  lạ lùng của nó -  giữa một cánh đồng vắng vẻ - cách xa tỉnh lỵ đến 5 km và cách chợ Búng hơn 1 km. Tính chiến lược của quyết định này, có thể nói như vậy, còn được khẳng định khi cũng tại địa điểm đó người ta  xây dựng thêm hai ngôi trường  quan trọng khác. Đó là trường Trung học Nội Trú dạy nghề (Trường Bá Nghệ) dành cho học sinh miền Bắc Di Cư vào Nam năm 1954, (Năm 1956 Trường  này được chuyển giao cho Trường Trịnh Hoài Đức  để làm cơ sở II, tức Trường Trịnh Hoài Đức nữ.), và Trường Trung học Nông Lâm Súc Bình Dương, một trong 4 trường trung học giảng dạy chuyên ngành Nông Lâm Súc đầu tiên trên toàn miền Nam khi đó. Vậy là vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trên cánh đồng ven Quốc Lộ 13, cách thị trấn An Thạnh - Búng hơn 1 km và cách tỉnh lỵ Phú Cường và quận lỵ Lái Thiêu 5 km, đã xuất hiện 2 cơ sở giáo dục bậc trung học đầu tiên của  tỉnh Bình Dương là Trường Trịnh Hoài Đức Nam, Trịnh Hoài Đức Nữ và sau đó là Trường  Trung học Nông Lâm Súc Bình Dương (đến năm 1972, trường nầy còn được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên viên trung cấp (Kiểm Sự) ngành Nông Lâm Súc). Ngoài ra còn có sự góp mặt của một trường tiểu học theo mô hình mới, cũng là một trong 3 trường thử nghiệm mô hình này trên toàn quốc: Trường Tiểu Học CỘNG ĐỒNG DẪN ĐẠO, Búng. Tất cả tạo nên một khung cảnh học tập, một nếp sinh hoạt mang đậm nét văn hoá hiếm thấy ở bất cứ một nơi nào khác. Nếu tình hình đất nước không có nhiều biến động như trong mấy thập kỷ vừa qua, thì khu vực này có thể đã biến thành một trung tâm chuyên về giáo dục và đào tạo của tỉnh Bình Dương và có thể là của cả miền Nam, bởi nó chỉ cách xa Sài Gòn có 24-25km.

       2. Thứ hai: Việc chọn tên trường

      Bí ẩn thứ hai: Ai là người chọn tên TRỊNH HOÀI ĐỨC cho ngôi trường ra đời khi đó? Cho đến nay những người có thể trả lời câu hỏi này đều không còn lại một ai, trong khi toàn bộ văn thư lưu trữ tại trường hay ở văn khố tỉnh và ở Nha Trung Học ở Sài Gòn,  thì đã chịu chung một số phận như nhau là không còn gì cả, sau biến động lớn ngày 30-4-1975. Rất đáng tiếc là vào những năm cuối đời của Thầy Trương Văn Di, vị hiệu trưởng thứ hai của Trường, cũng là người sáng lập và là vị hiệu trưởng lừng danh nhất trong số các vị hiệu trưởng, người viết bài này có cơ hội gần gũi và được Thầy tâm sự rất nhiều, về đủ mọi chuyện,  nhưng không hiểu sao không một lần nào nêu lên thắc mắc này với Thầy. Đến nay thì đã muộn, vì Thầy đã vĩnh viễn ra đi vào năm 1982. Mặc dầu có nhiều nỗ lực tìm tòi nhưng đến nay câu hỏi trên vẫn còn  là một bí ẩn đầy thách thức. Những ai có liên quan đến Trường Trịnh Hoài Đức  hay bất kỳ ai có chút manh mối nào về điều bí ẩn này xin vui lòng lên tiếng. Chúng tôi, những người đang phục dựng lại quá trình hình thành Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC Bình Dương, vô cùng biết ơn.

      Cũng liên quan đến sự ra đời và trưởng thành của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC, không thể không đề cập đến một sự kiện quan trọng khác là việc dựng tượng vị danh nhân mà những người sáng lập trường đã chọn để đặt tên cho trường. Ý tưởng dựng tượng vị danh nhân có nhiều cống hiến về mặt văn hoá, học thuật đối với phần lãnh thổ phía Nam của tổ quốc nói chung và vùng Sài Gòn–Gia Định nói riêng, trong khuôn viên trường, để làm Ngọn Đuốc Trí Tuệ và Nhân Cách,  soi đường cho các thế hệ học sinh và thầy cô giảng dạy, hình thành vào những năm đầu của thập kỷ 70, khi mà Trường Trịnh Hoài Đức đã trưởng thành và có những bước phát triển rực rỡ về nhiều mặt.

       Việc dựng tượng đã được cử hành long trọng trong một buổi lễ kỷ niệm một chặng đường phát triển vượt bực của Trường Trịnh Hoài Đức vào năm 1972, đặt dưới sự chủ toạ của ông Nguyễn Thanh Liêm, Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Giáo Dục khi đó là ông Ngô Khắc Tĩnh, và sự chứng kiến của các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Dương và đông đảo quan khách.

       Sự kiện ngày 30-4-75 đánh dấu một chuyển biến có tính bước ngoặc trong lịch sử tồn tại của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC. Đó cũng là số phận chung của toàn miền Nam khi đó, chứ không riêng gì Trường Trịnh Hoài Đức. Nhưng số phận của ngôi trường này còn ly kỳ hơn nhiều, như đã nói  ở trên, bởi nó đã bị xoá sổ ngay từ năm 1976. Các giáo viên đang giảng dạy, trừ những người bị đưa đi cải tạo lâu dài, và học sinh đang học được phân tán về các trường thuộc các quận, huyện khác trong tỉnh dưới các tên gọi mới là các “Trường cấp 2”, “Trường cấp 3” của từng địa phương như: “Trường Cấp 3 Thị xã TDM”, “Trường Cấp 3 Lái Thiêu”.v.v… Thay thế vai trò của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC vừa xoá sổ người ta thành lập một trường mới lấy tên là “Trường Cấp 3 An Thạnh”, lấy cơ sở vật chất của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC Nữ trước đây.

       Từ cột mốc thời gian đó, Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống. Cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang của nó nhanh chóng biến thành Trường Bồi Dưỡng Cán Bộ và Quản Lý G.D và Trường Sư Phạm Mẫu Giáo, có nhiệm vụ vừa “đào tạo lại” các giáo viên cũ, vừa cấp tốc sản xuất ra hàng loạt giáo viên mới, cung ứng cho mạng lưới trường lớp mọc lên nhanh chóng khi đó.

       Việc giải tán Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC và sử dụng cơ sở vật chất khang trang và vị trí rất thuận lợi của nó, như đã nói đến ở trên, nhằm phục vụ các mục tiêu và nhu cầu chính trị cũng như chuyên môn của ngành giáo dục khi đó cũng là một quyết định bình thường. Ngoài ý nghĩa thực tiễn ra, quyết định đó cũng phù hợp với cách nghĩ khi đó là: Cần phải xóa bỏ những gì Cũ, và thay thế bằng cái MỚI. Vả chăng, sự tồn tại của một trường trung học công lập cấp tỉnh cho dù là một trường danh tiếng, không còn phù hợp với quan niệm tổ chức của ngành giáo dục trong chế độ mới.

       Tuy nhiên có một điều khác thường mà khi đó mọi người không nhận ra, vì còn bị cuốn hút bởi nhiều chuyện khác ly kỳ hơn, đó là sự tồn tại của tượng đài TRỊNH HOÀI ĐỨC tại nơi an vị, bất chấp mọi dâu bể, thăng trầm của lịch sử. Ngày ngày, bậc vĩ nhân đầy tâm huyết với Con Người và Cuộc Sống vẫn bình thản quan sát mọi chuyện,. Và hẳn là Người không khỏi ái ngại khi nhìn thấy các “Nhà Giáo Nhân Dân”, cũng còn được gọi là các “Kỷ Sư Tâm Hồn”,  cuốc xới tan nát sân trường đầy sỏi đá để trồng khoai củ, rau muống, rau lang, cây bạch đàn.., làm chuồng nuôi heo, nuôi dê, nuôi thỏ v.v,.. để vừa phục vụ “đất nước”, vừa tự cứu mình, bởi lẽ trong giai đoạn lịch sử này của xã hội VN người ta chưa biết đến khái niệm “Học Thêm”, “Dạy Thêm” rất phổ biến của mấy thập niên sau này.  Cũng may mà các “vệ binh cách mạng” VN (còn được gọi là các “ông bà Ba Mươi”) không quá nhiệt tình như các “hồng vệ binh Trung Quốc” thời “Cách Mạng Văn Hóa”, chứ nếu không thì,.. ai biết được điều gì đã xảy ra?

       Một lần nữa, hậu thế phải cảm tạ công đức to tát của bậc tiên hiền, bằng uy danh và sự trầm tĩnh của mình, đã cứu vớt một di sản tinh thần thoát khỏi sự diệt vong và đưa nó trở lại với cuộc sống. Các thế hệ học sinh xuất thân từ ngôi trường danh tiếng đó, từ hơn 50 năm qua, cảm thấy mình là những người may mắn nhất, khi họ còn có được một NƠI CHỐN để mà quay về, để tưởng nhớ đến bạn cũ, thầy xưa, và những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời của một con người.

        Sau gần 15 năm (1976-1990) bị xoá sổ, Trường Trịnh Hoài Đức  đã được “thành lập” trở lại bởi QĐ số 33/QĐ-UB của UBND tỉnh BÌNH DƯƠNG (khi đó có tên là Sông Bé), do Phó Chủ Tịch thường trực tỉnh là ông Hồ Minh Phương ký ngày 22-10-1990.

       Điều 1 của QĐ này ghi rõ: “Thành lập trường Phổ Thông Trung Học Trịnh Hoài Đức  thuộc sở GD tỉnh Sông Bé kể từ tháng 10 năm 1990. Địa điểm nhà trường đặt tại Trường Trịnh Hoài Đức  cũ (xã An Thạnh, huyện Thuận An).”

       Thực tế không hề có chuyện Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC được “tái lập” mà là một trường có tên là “Trường P.T.T.H Trịnh Hoài Đức” được “thành lập”, tại vị trí của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước đây, nơi vẫn tồn tại tượng đài Trịnh Hoài Đức  từ mấy mươi năm qua. Trường T.H.P.T Trịnh Hoài Đức  hiện nay, do vậy, không thể đồng nhất với Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước năm 1975, vì nhiều lẽ:

•    Về danh xưng có một khác biệt không lớn nhưng cũng cần nói rõ để tránh ngộ nhận, đó là:  Tên gọi đầy đủ của Trường Trịnh Hoài Đức hiện nay, được thành lập bởi QĐ 33/QĐ.UB ngày 22-10-1990, là Trường “P.T.T.H Trịnh Hoài Đức”; sau này đổi lại thành “T.H.P.T. Trịnh Hoài Đức”. Trong khi đó tên gọi chính thức của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước năm 1975 là “Trung Học Trịnh Hoài Đức” (mọi người quen gọi là Trường Trịnh Hoài Đức), bao gồm cả hai bậc: Đệ I cấp (tức là cấp II) và Đệ II cấp (tức là cấp III).

•    Về vai trò và nhiệm vụ thì cũng có một khác biệt lớn. Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước kia là một trường trung học danh tiếng. Học sinh nhập học phải qua một kỳ thi tuyển rất gay go mà chỉ những học sinh xuất sắc nhất mới được tuyển vào. Thầy cô giảng dạy đa phần là những người đạt thứ hạng cao nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp của các Trường Đại Học Sư Phạm toàn quốc. Các nhà giáo ưu tú này chỉ có thể chọn các trường gần Sài Gòn nhất như  Bình Dương, Biên Hoà, Long An, Mỹ Tho.v.v,.. và phục vụ ở  đó một thời gian vài năm trước khi được thuyên chuyển về gần nhà.

       Trong khi đó, “Trường T.H.P.T Trịnh Hoài Đức” và “T.H.C.S Trịnh Hoài Đức ” hiện nay chỉ là  trường trung học của khu vực, nhận học sinh của các xã chung quanh Thị Trấn An Thạnh. Trình độ học sinh, do vậy, cũng không thể so sánh với học sinh của Trường Trịnh Hoài Đức trước kia. Nếu so sánh thì cũng chỉ có thể so sánh với các trường thuộc các khu vực khác trong tỉnh chứ không thể so sánh với các tỉnh khác vì hiện nay không hề có một kỳ thi Tú Tài Quốc Gia như ngày trước, thống nhất, dành cho tất cả học sinh cả nước.

        Nhưng khác biệt lớn nhất giữa hai “thực thể” này (hãy tạm gọi như thế) là khác biệt về bản chất. Cả hai được xây dựng trên hai triết lý nền tảng khác nhau và đều nhắm đến những mục tiêu khác nhau. Do vậy, các biện pháp vận dụng để đi đến mục tiêu cũng không giống nhau. Đó là những nét khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống giáo dục mà bài viết này không có ý định phân tích sâu hơn.

       Đến đây, chúng ta đã có được một cái nhìn khá rõ nét về trường Trung Học TRỊNH HOÀI ĐỨC ở Bình Dương kể từ ngày mới thành lập vào năm 1955, cho đến tận hôm nay. Đó là trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Bình Dương, ra đời từ giữa thế kỷ trước, phát triển một cách rực rỡ cho đến thời điểm 30-4-1975 thì bị giải thể. Tuy vậy, sau đúng Mười Lăm Năm Im Lặng, trên cơ sở vật chất và tại vị trí cũ của Trường Trịnh Hoài Đức trước kia, nơi vẫn tồn tại tượng đài danh nhân Trịnh Hoài Đức  từ 15 năm  qua, xuất hiện một trường trung học mang tên Trịnh Hoài Đức (mới).

       Hiện nay “Trường T.H.P.T Trịnh Hoài Đức” đã được  xây cất khang trang hơn trước, xinh đẹp hơn trước, đã có một diện mạo mới, một cơ sở vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn. Tuy nhiên, những cái “hơn” thuộc bình diện “hạ tầng” đó, nếu đồng thời cũng được kèm theo chút ít cái “hơn” trên bình diện “thượng tầng”, thì quả là đại phúc cho người  dân tỉnh Bình Dương, vốn là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất nước hiện nay.

Nguyễn Phạm
Ngày 5 tháng10 năm 2010


Ghi Chú: Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường là ông Nguyễn Văn Trương chỉ tại chức có một năm, sau đó về giữ cương vị hiệu trưởng Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn.

Thursday, July 3, 2014

COI HÁT Ở BÌNH DƯƠNG

Chuyện Bình Dương thời xưa chắc ít ai còn nhớ hết, thế nên nhớ đâu nói đó, chuyện nọ xọ chuyện kia, có trúng có sai, nghe đở buồn, mà cũng có khi buồn hơn, khi cảm cái cảnh một thời mới đó mà giờ đã chìm vào dĩ vãng mờ phai.
Nhân cái chết của bà Phùng Há mới đây, thọ xém một trăm tuổi, nhắc lại chuyện coi hát ở quê nhà.
Rạp hát đầu tiên của chợ Thủ nay vẫn còn một số người già nhớ là rạp Bầu Liêu, khoảng vài thập niên đầu của thế kỷ trước. Rạp này nằm ở đường Lý Thường Kiệt, qua khỏi cầu Võ Văn Vân, phía tay trái, khu đất nay có mấy quán cà phê dọc theo con kinh và quán ăn Thanh Ngân. Rạp xây cất có hơi thô sơ, vách bằng ván cây, chuyên chứa các gánh hát bội hát suốt đêm với những vở tuồng khắc sâu vào tâm trí của người thời đó như Phụng Nghi Đình, San Hậu...Con đường dẫn vào rạp có mấy gánh bán hàng ăn uống, nước giải khát, đèn dầu tù mù, người bu xúm xít, tiếng húp cháu rồn rột. Được nhớ nhiều nhất là ông Út Cháo, chuyên bán cháo trắng với món cá kho tiêu, đi xem hát rạp bầu Liêu, ngoài việc thỏa cái thú say mê ca hát, còn là dịp để thưởng thức món cháo trắng của ông Út này.

Đến khi rạp ngưng hoạt động vì bị hư hại theo thời gian, bà bảy Lìn, người giàu nổi tiếng nhất của đất Thủ mua lại khu đất trên định xây lên một rạp hát tầm cỡ hơn nhưng không hiểu vì sao kế hoạch đó không thực hiện được. Con đường này từ đó trở nên vắng vẻ, không còn cảnh xe bò xe ngựa đậu dài hai bên đường, người dân với những bộ đồ vải bà ba, tay cầm đuốc chen chúc nói cười, miệng nhai trầu bỏm bẽm, thuốc rê phì phà. Cũng không còn nghe mùi nước đái ngựa, mùi phân bò thoang thoảng, lá chuối, giấy nhật trình gói đồ ăn bay tơi tả trong bụi cát mỗi khi có gió thổi qua…
Cảnh ấy, từ đầu thập niên 30 đã nhường lại cho con đường Outrey, tức đường  Trưng Vương ngày nay, từ khi rạp Thanh Bình được xây dựng. Ban đầu rạp có tên là Trần Trung Hí Viện, bốn chữ này được làm nổi trên tường, ngay chính giữa sân khấu, lấy theo tên của ông chủ rạp là Trần Trung Hiếu, thường được gọi là ông Chủ Hiếu, một người giàu có, lắm ruộng đất, nhà ở khu đất nằm ngay góc đường Bàu Bàng và Nguyễn Tri Phương, còn gọi là đường bờ sông, đối diện với Lò Heo, nay là nơi bán vật liệu xây dựng Vĩnh Xương. Ông
có mấy người con trai như ông Công, ông đốc tờ Triệu, có phòng mạch tại góc đường Đoàn Trần Nghiệp và Trừ Văn Thố, ông Vinh, thay ông làm chủ rạp, nhà tại góc đường Bà Triệu và Trừ Văn Thố, căn nhà của ông nay vẫn còn nguyên nhưng trông có vẻ tiêu điều, hoang phế. Sau 1954, rạp đổi tên lại là Thanh Bình, chắc mừng cảnh nước nhà vừa trải qua một cuộc chiến tranh, mơ ước những ngày tươi đẹp.

 Từ khi có mặt, rạp Thanh Bình trở thành điểm ồn ào, náo nhiệt, vui vẻ nhất của chợ Thủ, và dĩ nhiên cũng là nơi đáng nhớ nhất trong lòng của rất nhiều người, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm của tuổi thơ, của dĩ vãng đã mất, của hình bóng quê hương khi đã đi xa…


Ở cái thời đất rộng người thưa, hầu hết đều nghèo, nhà tranh vách đất, thì chỉ cần đứng trước rạp nhìn ngắm nó thôi, lòng người ta đã nghe say đắm, mê ly. Có thể nói đây là một trong những công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy nhất tỉnh mà người ta được tha hồ nhìn ngắm. Rạp xây theo lối Tây, chạm trổ nhiều hoa văn đẹp mắt, nóc rạp nhô cao ở chính giữa như hình cái tháp, có gắn cột thu lôi. Bước qua khỏi bậc tam cấp đi qua hành lang là tới phòng bán vé ở hai bên. Trên tường treo nhiều tranh ảnh của nghệ sĩ, hoặc một số hình ảnh hấp dẫn để giới thiệu phim sắp chiếu. Nhìn những hình ảnh này người ta càng náo nức muốn chạy tuôn ngay vào rạp để xem. Bên trái cửa chính là cầu thang dẫn lên lầu một. Cửa rạp có tấm màn che kín, lại có bức tường ngăn phía trước, khán giả phải rẻ qua hai lối đi hai bên để vào rạp. Bên trong có lối đi chính giữa chạy dài đến sân khấu, hai bên là hai hàng ghế được kết dính lại. Loại ghế này không đóng cố định vào khung mà có thể lắc lư lên xuống được, do vậy những người không quen ngồi lên có khi bị bật chổng gìo lên thất kinh hồn vía. Mỗi khi họ đứng dậy thì mặt ghế lại đánh kêu cái rốp làm người xung quanh phải giựt mình. Nhất là khi hết tuồng, khán giả thi nhau đứng dậy thì tiếng ghế kêu vang khắp rạp, nghe rất vui tai. Sát hai hàng ghế này, cách một lối đi hẹp là các ghế dài vô tới bìa tường, dành cho vé hạng cá kèo, ngồi đây thường bị các cây cột che khuất tầm mắt, rất bực bội, muốn coi rõ phải chồm qua người kế bên, không quen sẽ bị cự nự rất khổ. Trên lầu, xây theo hình chữ u đánh một vòng chung quanh rạp, có lan can bảo vệ, ngay chính giữa đối diện với rạp làm theo hình vòng cung nhô ra, đây là chỗ ngồi dành cho thượng khách khi xem phim, còn khi xem hát, hàng ghế đầu gần sân khấu mới là ghế hạng nhất vì có thể nhìn ngắm nghệ sĩ rõ ràng hơn. Trong rạp, trên tường có bức tượng trang trí hình thiếu nữ Tây phương ôm cây đàn lyre truyền thống của họ, theo mô típ Hy Lạp rất đẹp. Người ta đồn rằng lúc sấm sét thường thấy hai cô này cười và lúc không có hát thì thường hiện ra đi lất phất trong rạp. Bọn trẻ con nghe vậy sợ muốn té đ…nhưng mỗi khi có hát, mê hát thì chẳng kể số gì nữa, đứa leo cửa sổ tòn ten trên lầu, đứa thì tìm cách chen lấn đến gần sân khấu coi cho rõ. Bọn coi cọp (lén chui vào rạp không mua vé), lâu lâu lại bị mấy ông xét vé tóm cổ lôi ra. Sân khấu lót bằng ván dày, có một cái thang xuống tầng hầm nơi nhân viên gánh hát ở.


Phía bên phải của rạp có lối vào một dãy nhà ba căn, một là chỗ ở của người gác dan lo quét dọn rạp, hai căn còn lại dành cho đào kép nhứt. Cách một khoảng sân nhỏ là dãy nhà bếp, sau nhà bếp là nhà tắm, nhà vệ sinh. Tại đây có hai cửa nhỏ, một là lối vào rạp hát, ngay khoảng trống giữa sân khấu và hàng ghế đầu tiên; cửa thứ hai có bậc tam cấp dẫn lên sân khấu. Đối dịên với nhà vệ sinh, trên tường rạp có treo một  bàn thờ nhỏ với chỉ một cái lư hương thôi. Bàn thờ này để thờ cúng một người gọi là cậu Năm Chà, dường như là người của một gánh hát nào đó, thất chí treo cổ tự vẩn trong rạp hát này. Nghe nói hồn cậu không siêu thoát được, linh lắm nên gánh hát nào về đây cũng lo cúng vái rất chu đáo cầu xin cậu phù hộ.


Cứ lâu lâu thì có một gánh hát về, đó là những ngày vui vẻ tưng bừng của bà con đất Thủ. Ban ngày có xe chạy vòng vòng các con đường ở chợ phát tờ bướm quảng cáo, vừa phát loa đọc những lời giới thiệu tuồng hát và nghệ sĩ trình diễn nghe rất hấp dẫn. Thời xưa là các gánh hát bộ, lâu lâu cũng có gánh hát đồng ấu Triều Châu với đào kép là trẻ con, đứa lớn nhứt 12 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi, hát từ 8 giờ sáng đến 6 giờ sáng hôm sau mới dứt. Vậy nhưng cứ chiều tối thì người ta cũng lũ lượt tới xem, nhứt là mấy bà xẩm với túi xách mang theo nào là bình thủy, đồ ăn, áo ấm…Về khuya, cứ lâu lâu lại nghe cái rầm trên lầu, ai nấy giựt mình, ngó lên thì thấy một bà xẩm nào đó vì ngủ gục nên té xuống sàn, giỏ xách văng tứ tung bánh trái nước nôi.


 Về sau, hát bội hết thời, và được thay thế bằng các gánh cải lương. Đông nhứt là dịp tết, người ở chợ và từ các vùng quê lũ lượt kéo nhau đến rạp hát, chen lấn, xô đẩy. Bọn trẻ con nhà nghèo thì nắm đại tay người nào đó để chui vào rạp vì trẻ con đi kèm người lớn thì không tốn tiền. Ăn
gian không được thì ngồi trước rạp chờ gần hết giờ chạy vào coi thả giàn. Hai bên con đường vào rạp có rất nhiều xe bán nước đá đậu xanh đậu đỏ, bánh lọt, xe nước mía, bò viên, lại có mấy chị mấy cô bưng cái thao bán ốc len, ốc gạo, đâu phộng rang, mía ghim… Các gánh hát lớn và đào kép nổi tiếng thời đó đều đã từng về đây như đoàn Kim Chung với Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Kiều Tiên; gánh Dạ Lý Hương với Hùng Cường, Bạch Tuyết… Buổi sáng đào kép tập tuồng, những người ghiền cải lương mà rảnh rổi hay bọn trẻ con thường vào rạp để coi. Có lần tập tuồng xong hai ông Minh Phụng và Minh Vương xuống ngồi ở ghế khán giả nghỉ mệt. Tôi chạy lại ngồi phía sau lắng nghe hai ông nói chuyện, dè đâu hai ông hay chen vào những tiếng chưởi thề làm tôi rất ngạc nhiên. Một bữa khác, gần tới giờ diễn vở Kiếm Sĩ Người Dơi của đoàn Minh Cảnh, tôi lẩn quẩn khu nhà sau chờ coi mặt nghệ sĩ, thì thấy ông Minh Cảnh chuẩn bị đi tắm, ông ở trần, mặc chiếc quần xà lỏn, da trắng bóc nhưng gầy và nhỏ con. Mấy hình ảnh này làm tôi vỡ mộng hết sức!
Khoảng cuối thập niên 60, những khi không có cải lương ngươì ta chiếu phim, nhưng bộ môn này thì rạp Thanh Bình kém thu hút hơn rạp Bình Minh, mới xây, rộng lớn, khang trang hơn. Lúc đầu hầu hết là phim Ấn
Độ, sau mới có phim Tây, đến thập niên 60 trở đi là thời của phim Tàu với những cái tên như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Lý Tiểu Long... Được đến rạp hát là thú vui lớn của thời đó, nhất là với các cặp thanh niên nam nữ, đây còn là nơi và dịp để hò hẹn, yêu đương. Các gánh đại nhạc hội, các đoàn kịch cũng thay phiên nhau về đây, vì vậy rạp Thanh Bình hội tụ hầu như đầy đủ các nghệ sĩ lừng danh của miền Nam thưở trước.

 Có một sự kiện bi thảm đáng ghi nhớ về rạp Thanh Bình. Vào năm 1949, hôm đó có một số người tụ tập tại dãy nhà bên hông rạp để đánh bài Cẩu, loại bày bằng sừng của người Hoa, đánh kêu lốc cốc. Đang chơi thì có một người vào xin tiền, bị đuổi ra, người đó oán bèn đi thẳng lên dốc ông Cò báo là có Việt Minh đang họp. Hai người lính Tây liền cầm súng đi ngay xuống rạp, tới nơi họ bắn xối xả vào đám người này, tất cả có 49 người tử nạn nằm la liệt, máu loang khắp nơi trông rất rùng rợn. Hai người chạy núp trong cầu tiêu cũng bị bắn chết. Kẻ duy nhất may mắn sống sót là thanh niên tên Thạch, sinh năm 1925, con của ông Năm Trong, nhà ở bờ sông, khu đất gần nhà bảo sanh bà Năm Chi, nay là khu chung cư. Di tích duy nhất nay còn sót lại là cột cửa ngõ, ngay đầu đường dẫn vào khu nhà cao ngất này. Ông
Thạch về sau sống ở Thái Lan, ông có người em là đại tá pháo binh dù Nguyễn Văn Tường , đang sống ở nước ngoaì. Nghe nói kẻ đi báo tin cho Tây về sau rất ray rức hối hận vì hành động dại dột của mình thời trẻ đã gây ra hậu quả quá thảm khốc như vậy. Nay ông cũng đã mất.
Cùng với vụ thảm sát cư dân làng Chánh Hiệp tại cầu Suối Giữa, trên 50 người chết, thì đây là hai kiếp nạn lớn nhất thời nô lệ mà người dân đất Thủ phải gánh chịu. Tại Suối Giữa, sau khi bắn chết hết những người dân vô tội bị bắt, Tây còn cho gom những người còn lại ra chôn cất người chết. Họ cắt đầu nạn nhân, cho đổ máu vô một cái thùng, pha với nước và muối rồi bắt buộc mấy người này phải uống một tô, ai không uống họ sẽ bắn tiếp. Chuyện này mấy người già trong làng kể lại, nếu đúng như vậy thì quá khủng khiếp, man rợ không tưởng tượng nỗi.


 Khoảng giữa thập niên 60, rạp Bình Minh nằm trên đường quốc lộ 13 được xây cất. Miếng đất hình tam giác nằm giữa ba con đường Cách Mạnh Tháng 8, đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn An Ninh… nguyên là đất của ông Đốc Cậy, nhà ở đường Phan Văn Hùm cũ, nay là Nguyễn Tử Bình, sau bán cho nhà thờ, nay là nhà trẻ. Ông
Cậy phân lô đất bán nền, ông Thái mua một khu khá lớn để xây rạp Bình Minh, chuyên chiếu phim. Rạp cất theo lối mới, hiện đại hơn rạp Thanh Bình.

 Sau 75, các gánh cải lương tàn dần, rạp Thanh Bình từ từ đóng cửa rồi bị bỏ hoang, cây cỏ mọc trên mái nhà, góc sân, nhìn thật nao lòng. Đầu năm 2009 bị phá bỏ, một công trình mới chuẩn bị xây dựng, hí trường của một thời đã từ đây chỉ còn là chuyện quá khứ. Rạp Bình Minh sau thời gian ngưng hoạt động đã biến thành nhà sách và văn phòng phẩm, trên lầu, người ta dùng để chiếu phim nhưng không còn cảnh giành giựt mua vé như thời trước, thời của hai phim chiếu chung, phim màu, màn ảnh đại vĩ tuyến…


 HOÀNG ANH

Tiếng Bình Dương

Điểm độc đáo của dân tộc Việt Nam là giữ gìn được tiếng nói chung từ Bắc tới Nam, dù qua bao nhiêu cách trở về địa hình, bao nhiêu biến cố lịch sử. Trong cái chung ấy lại có vô vàn sự khác biệt về cách phát âm, về phương ngữ, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho ngôn ngữ của dânViệt. Từ khi đất nước thống nhất, với bộ sách giáo khoa chung, với các phương tiện truyền thông phổ biến, ngôn ngữ của cả dân tộc đang di dần đến chỗ hợp nhất. Đây là điều cần thiết, và là sự phát triển có tính tất yếu khi mà sự giao lưu cả trên phương diện kinh tế, xã hội và văn hóa của các vùng miền ngày càng diễn ra sôi nổi và thuận lợi hơn. Sự thống nhất về ngôn ngữ, tuy vậy, cũng đưa đến hệ quả là các phương ngữ, phương âm sẽ dần dà bị đào thải, biến mất hay biến dạng cho tương thích với cái chung phổ biến. Ghi lại các phương âm phương ngữ này, như những di tích văn hóa của một địa phương, góp phần như những tư liệu để phục vụ nhu cầu tìm hiểu về văn hóa của người và đất ở một nơi nào đó. Theo thống kê, hiện nay trên khắp thế giới, mỗi ngày có hàng ngàn ngôn ngữ mất đi và có nguy cơ không phục hồi lại được. Các nhà ngôn ngữ, do vậy, đã nỗ lực để lưu trữ các ngôn ngữ đó đưa vào sách đỏ, như gia tài để lại cho hậu thế.
 
Ở nước ta, xét riêng về Việt tộc, như đã nói trên thì có sự đa dạng trong phương diện ngôn ngữ. Tuy nhiên nếu người Việt tương đối dễ nhận diện được sự khác biệt của các địa phương ngoài Trung hay Bắc, thì điều đó lại rất khó ở miền Nam. Nghe anh nói “Lộc Ninh” thành “Nộc Linh” thì biết ngay anh là người Bắc, mà rất có thể là Thái Bình. Anh cứ “răng, mô, rứa” thì chắc là Huế rồi. Còn “en hỏng en thì để cho chóa nóa en” thì chị là Quảng Ngãi chớ chẳng đâu xa!
 
Ở miền Nam, có mấy năm tôi học trong ngôi trường đào tạo cho học sinh các tỉnh phía Nam, thật khó biết ai ở đâu từ đâu đến. Tuy nhiên sống chung một thời gian, thì cũng có vài diểm để nhận ra được, khi người ta từ từ có điều kiện so sánh với nhau. Một anh bạn người Long An thì cứ “hái dao” thay vì “hái rau”, “da duộng” thay cho “ra ruộng”. Mấy người qua khỏi Mỹ Tho, vùng Bến Tre, Vĩnh Long thì “Nhóc”, nghĩa là nhiều, lối nói tắt của “đầy nhóc”. Còn “mình ên” nghĩa là chỉ có một mình, chữ ên trại từ tiếng Khờ me mà ra. Nói “thồi tiền” thay vì “thối tiền”, “ché” thay cho chị thì biết là miệt Cà Mau, hay Trà Vinh, Sóc Trăng…
Thế còn Bình Dương?
        TẠM GHI:
ÂM PHƯƠNG:
Bến Khế: Bến Thế
Bụi te: bụi tre
Guộng: ruộng
Đi châi: đi chơi: (chữ này chưa phiên âm chính xác được)
Về quại: về ngoại
Ăn côm: ăn cơm
Mơi: ngày mai
Đi dìa. Đi về 
         NGỮ PHƯƠNG: 
Ăn nghe thâm trầm: món ăn ngon, đậm đà
Dử ngươi (hay Dễ ngươi): coi thường, xem nhẹ.
Trượng: lớn
Trọng: trượng: lớn. (hay nói: “trọng cải, trọng cải trời: nghĩa là lớn quá) 
Mèn đét ơi! hay Chèn đét ơi: Trời đất ơi!
Mẹ ốc mày! : Tiếng chưởi yêu.
Dởn ốc: Nổi gai ốc, nổi da gà.
Quê. Quê một cục: xấu hổ.
Mút mùa. Mút mùa Lệ Thủy: hết sức
Thằng cải trời: người làm chuyện chịu hết thấu, hết nói nỗi.
Chơi tới bến:
Chơi hết ga:
Chơi thả cửa: chơi không kềm chế
Quá cở thợ mộc: nhiều quá
Ỉu xìu: yếu
Lạ quắc lạ qươ: lạ
Dị hợm: kỳ, dị
Bêu riếu: chê trách
Hồi nẳm: năm xưa
Đụt mưa: tránh mưa, trú mưa.
Khoai bán: khoai mì
Múa cù: múa lân.
Nghèo rớt mùng tơi: nghèo
Cù bơ cù bất: vô gia cư, thân thích
Đục: Đánh
Rùa quến: rù quến, rù quyến, quyến rũ.
Quính lộn, uýnh lộn, quánh lộn: đánh lộn.
Ưng bụng: hài lòng
Cà rỡn: giởn chơi
Ngộ: xinh đẹp, lạ
Dị kỳ toi: rất kỳ, lạ.
Kỳ toi kỳ hòm: kỳ, lạ.
Bòn chắt: tiết kiệm
Ngạo: chọc quê ai
Quảy đôi gánh: gánh gánh.(gánh gánh về gánh gánh về, nhạc Phạm Duy)
Cháy đèn: đèn sáng, đèn đỏ (Huế). “Bữa nay cúp điện hay sao mà tới bây dờ đèn dẫn chưa cháy!”
Nhậu bắt: mồi ngon
Con toi: con gái, con nhỏ nào đó. Từ câu: “mắc dịch mắc toi”
Sơ sịa: làm sơ sơ, sơ sài
Bỏ ba hột côm vào bụng: ăn cơm.
Làm đại, ăn đại: làm không suy nghĩ chín chắn.
Còn khuya: còn lâu lắm.
Tết Marốc: khó xảy ra.
Tài lanh: xía vô chuyện người khác.
Thài lai: chuyện bao đồng, tài lanh.
Chuyện bao đồng: không phải chuyện của mình.
Giả ngộ hôn: giả bộ.
Bổn thôn: quá sợ
Đậu phụng, đậu phộng: đậu phọng.
Ổ qua: khổ qua
Dừng dách: (vừng vách) làm vách nhà.
Rau mồ om: gọi tắt là rau om.
Rau thúi địch: rau mơ.
Lập thế: tìm cách
Ráo trọi: hết sạch.
Nói dốc chơi: chuyện phiếm, “chat”
Đi xóm: đến nhà hàng xóm.
Lua cơm: ăn cơm.
Trự: người nào đó
Nói lớ qướ, làm lướ qướ: nói không đúng, làm không đúng
Dà, phát âm sai của “và”: ăn
Xớ rớ: như lớ qướ.
Âm hao: tin tức, bóng dáng.
Ráo nạo: hết sạch.
Con khỉ mốc!: tiếng chê bai.
Bạch tuột: vd ngồi bạch tuột ra đó!: Không làm gì.
Lộn nài tháo ống:
Ai thấy được thì rầy: thì phiền.
Trông còn sõi lắm: còn trẻ, khỏe
Xuể: nỗi. vd. Làm không xuể: làm không nỗi!
Rụm nụ: qúa mệt (nụ bầu, bí chết hèo vì nắng)
Ngon cải trời: ngon lắm
Cưa hai:mỗi người phân nửa
Phụ hợ: giúp
Nhậu khan: uống không có mồi.
Chuyện trời ơi: chuyện vô ích
Nói Giả ngộ: nói chơi, ví dụ như
Dữ ác hôn! Tán thán từ: hiếm, khó
Làm miếc: làm riếc
Làm lẽ: làm bộ làm tịch
Làm lẽ: vợ nhỏ.
Ngó lơ: ngó chỗ khác
Ăn lấy thảo: thưởng thức chút tình với nhau.
Hoàng Anh (01-09-09)

Tuesday, February 4, 2014

Người Bình Dương

Sử sách chép rằng thưở xa xưa trên vùng đất Bình Dương ngày nay đã từng có các tộc người Xtiêng, người Chàm, rồi người Khơ øme đến sinh sống, người Việt ta chỉ mới bắt đầu đặt chân đến đây vào khoảng đầu thế kỷ 17. Thế nhưng khi người Việt ta đến, những tộc người này thiên cư dần lên phía Bắc ở những nơi mà người đồng tộc với họ cư trú từ lâu. Đất đai này lúc ấy dường như hoang vắng chỉ toàn là rừng rậm và thú dữ.

    Thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, cả dinh Trấn Biên có khoảng  4 vạn hộ, tức 40.000 gia đình. Vùng đất nay là tỉnh Bình Dương thưở ấy thuộc Tổng Bình An,  dinh Trấn Biên, vốn  nhiều rừng rú và thú dữ, dân đến đây lập nghiệp chắc là không có bao nhiêu.

    Tổ tiên của những người khai hoang lập ấp trên đất Bình Dương, lúc ấy còn gọi chung là ngừơi Gia Định, vốn chủ yếu là dân từ các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, thường gọi tắt là dân Nam Ngãi Bình Phú. Sách Vũ Biên Tạp Lục chép : “ Họ Nguyễn lấy được đất đai ấy rồi chiêu mộ những lưu dân ở các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi di cư đến khai khẩn, lập ra đất Trấn Biên ăn thông đến Giồng Ông To,á phía Tây đến vùng Thủ Dầu Một  Lái Thiêu.”
( trích lại từ Việt Sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang)

    Rời bỏ quê hương để trôi giạt đến những vùng đất xa xôi “ ma thiêng nước độc”, chắc phải là dân lính tráng hoặc những người cùng khổ, hay những kẻ tội nhân lánh sự truy bắt của triều đình tìm chốn ẩn thân. Về sau mới có thêm ít người giàu có do tham mối lợi lớn mà mạo hiểm đến bỏ tiền của tạo nên cơ ngơi bạt ngàn ở đây.

    Vũ Biên Tạp Lục viết :
   
    “ Lấy được đất ấy (Gia Định ), rồi chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Điện bàn, Quảng Nghiã, Qui Nhơn xứ Quảng Nam, di cư đến, chặt cây, khai phá, trở thành bằng phẳng, đất nước mầu mỡ, cho họ chiếm lấy, lập vườn trồng cau, làm nhà ở.”

    Sơn Nam trong “Đồng bằng sông Cửu Long” viết :

    “ Người Việt đến, qua nhiều đợt, chạy đói khi mất mùa… Đời Minh Mạng tù nhơn khắp nơi đến, người mang tội nặng co ùthể bị xiềng chân ngay trong lúc phục dịch bọn quan lại, vợ con có thể đi theo.Ngoài số thường phạm còn người bị xử oan ức vì không đủ tiền lo hối lộ, những tội phạm chính trị bị đày cùng gia đình, nhứt là sau vụ khởi binh của Lê Văn Khôi. Trước đó, người ủng hộ Tây Sơn đã bị truy nã tận gốc”.

    Trong khoảng thời gian dài từ sau đợt định cư chính thức kể trên, chắc hẳn có nhiều đợt định cư lẻ tẻ của các lưu dân từ các tỉnh miền ngoài. Chẳng hạn vào khoảng trước năm 1845 các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại miền Bắc vì bị ngược đãi đã trốn vào sinh sống ở Lái Thiêu, lập nên làng Thiên Chúa Giáo Hưng Định. Nhà Văn Sơn Nam viết :
      
    “Lái Thiêu và Búng còn là nơi cư trú an toàn của người theo đạo Thiên Chúa, gốc từ miền Trung, hoặc từ Sài Gòn, lúc đầu thi hành chánh sách kỳ thị. Ban sơ giáo dân tụ ở Cây Me”.( Sơn Nam )

    Trong hồi ký của Grammont, quyển “Onze mois desous-pre’fecture on Bassecochinchine” Paris 1863, đã có các chi tiết như sau : “ Năm 1845, giáo sĩ Le fevre trở lại Sài Gòn và đến ở tại Lái Thiêu (…). Làng Thiên Chúa-giáo Hưng Định từng bị thiêu hủy vào năm 1861( …)”

    Trong quyển “ Nhà thờ Lái Thiêu” ( năm 1994, nhân kỷ niệm 100 năm xây dựng) viết : “ Theo quyển “ Lịch sử Truyền Giáo ở Đàng Trong “ của Launay xuất bản năm 1924 tại Paris thì từ năm 1747 Lái Thiêu đã n
m trong danh sách 11 họ đạo của vùng Trấn Biên,  lúc ấy Lái Thiêu đã có 400 giáo dân đứng vào hàng thứ ba của Địa phận Đàng Trong.Từ sự kiện nầy, chúng ta xác định họLái Thiêu đã được thành lập từ nhiều chục năm trước 1747”.

    Đến thời Pháp đem quân qua xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông (1861), huyện Bình An có 9 tổng, 89 xã, với một số dân vào khoảng 100.000 người. Huyện Bình An lúc này bao gồm một diện tích rất rộng, gồm cả huyện Thủ Đức  và phần lớn đất đai thuộc hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước ngày nay.

    Đến năm 1912, khi người Pháp lập nên các đồn điền cao su ở Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bến Củi, Lộc Ninh, Hớn Quảng…họ đã thu hút thêm nhiều lao động từ miền Bắc vào đây. Đến năm 1954, với đợt định cư thứ ba của đồng bào miền Bắc tại Thủ Chánh, Rạch Bắp, Hớn Quản…thì người miền Bắc đã khá đông.

    Sau hiệp định Geneve 1954, BD còn tiếp nhận thêm một số tín đồ Công Giáo di cư từ tỉnh Phước Tuy đến tại Văn Hữu ( Chơn Thành ) và sau định cư tại làng Vinh Sơn thuộc quận Châu Thành, nay là Thủ Dầu Một…

     Khỏang những thập niên đầu thế kỷ hình thành một xóm của người Huế ở khu vực gần mộ Hiệp Trấn, đối diện trường Hùng Vương gọi là xóm Huế, còn gọi vùng nghĩa trang Đất Thánh, đa số dân nghèo, làm nghề bán thuốc dạo gia truyền hoặc nghề mộc, thủ công. Không ai buôn bán nên không phổ biến được những đặc sản địa phương. Không biết được họ định cư ở đây từ bao giờ, lý do gì.

    Ngoài số người Việt từ các tỉnh miền ngoài đến đây khai hoang như đã kể trên, rất đáng kể đến bộ phận người Hoa, thường được gọi một cách thân thiện là “các chú ba Tàu”.
Đầu tiên là nhóm bộ hạ, thân thích của Trần Thựơng Xuyên, di thần của nhà Minh, do lánh nạn Thanh triều được chúa Nguyễn thời ấy thuận cho vào đất Trấn Biên lập nghiệp. Theo sử gia Tạ Chí Đại Trường, đây chỉ là nhóm giặc biển qua đây tìm chốn dung thân, bởi nhà Minh bị diệt đã lâu trước thời điểm họ đến đây, những sự kiện biến loạn về sau ở vùng Mỹ Tho càng củng cố thêm cho lập luận này.

    Cuối thế kỷ 19, một số người Hoa ở Cù Lao Phố xuôi theo sông Đồng Nai về định cư dọc kênh Tàu Hủ và lập nên Chợ Lớn. Ta không biết có ai trong số họ trôi giạt về vùng tổng Bình An vào hồi đó hay không, nhưng chính sự có mặt của họ đã là nhân tố quan trọng thu hút ngày càng nhiều người Trung Hoa đến miền Nam, trong đó có huyện Bình An về sau này.

    “Riêng trong huyện Bình An cũ (vùngThủ Dầu Một, không kể Tân Uyên ) đời Tự Đức ghi 2 bang người Hoa. Sự có mặt của họ đáng chú ý. Những người này có lẽ làm chút ít hoa màu, nghề chánh yếu là lò đường, cưa ván, đóng ghe tải. Bấy giờ nghề gốm chưa thành hình.” ( SN )

    Lúc ấy, cả địa hạt có 47.825 người, trong đó người Hoa chỉ có 119 người. Đến khoảng đầu thế kỷ 19, họ bắt đầu phát hiện ra những ưu điểm về đất đai và địa thế rất thích hợp cho việc lập lò gốm ở địa phương nên về đây ngày càng đông. Đến năm 1931, tổng số người Hoa là 6.420, có tăng giảm đôi chút trong những năm sau do hoàn cảnh chính trị xã hội khi ấy có nhiều biến động.

    Đến tháng 04 năm 1974,  cả tỉnh Bình Dương có 260.786 người, định cư rải rác trên một khu vực ước tính chưa đầy 2000 km2, trong đó người Việt gốc Hoa có 17.977 người, chiếm 6.8% dân số. Phần lớn sinh sống ở hai quận Châu Thành ( 10.154 người ) và Lái Thiêu ( 6.741 người).

    Trên đây không phải là những con số chính xác tuyệt đối do tỉnh này thường có những thay đổi về địa giới, nhưng cũng giúp ta hình dung phần nào mật độ dân cư ngày xưa so với thời điểm hiện tại.

    Như vậy ta nhận thấy rằng thành phần tạo nên cộng đồng dân cư Bình Dương không có khác biệt chi lắm với các vùng khác ở Nam bộ. Tổ tiên họ là những người từ các tỉnh miền Trung đến đây vì nhiều lý do khác nhau, có người do bị tù đày, có người muốn tìm nơi hẻo lánh để tránh sự truy bắt của triều đình, có người tránh nạn kỳ thị tôn giáo, có người vì quá nghèo đói, hoặc hoàn cảnh khó khăn mới đành phải rời bỏ quê hương mạo hiểm đi tìm đất sống ở chốn ma thiêng nước độc. Họ đến từ những thời điểm khác nhau, kẻ trước người sau. Theo thời gian, trong điều kiện và hoàn cảnh sinh sống mới, họ học tập, trao đổi và giúp đở nhau để cùng tồn tại và phát triển, dần dà hoà nhập để tạo nên những tính cách riêng biệt của những người được gọi là người Bình Dương.

    Sau 1975, dân số Bình Dương tăng nhanh dần, đặc biệt kể từ khi chính quyền thực hiện chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài thu bút rất nhiều nhân lực để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đất đai và thời tiết hiền lành, lại dễ làm ăn, nhờ vậy BD mau chóng thu hút dân cư từ mọi miền đến đây làm ăn, sinh sống. Những yếu tố này khiến cộng đồng dân cư của BD hiện nay rất đa dạng, nhiều tính cách.Với dân số vào khoảng 800.000 ngừơi, cọâng thêm hơn 400.000 người lao động tạm cư (con số này hứa hẹn còn tăng nhiều để có thể đáp ứng kịp sự phát triển rầm rộ các khu công nghiệp hiện nay ).

    Với sự đóng góp những đặc điểm văn hóa từ những địa phương khác, cộng với tinh thần biết tôn quí giá trị truyền thống mà đồng thời cũng dễ dung nhập cái mới, tính chất con người Bình Dương hiện đại đang trên qúa trình hình thành, chúng ta chưa thể hình dung hay xác quyết được rồi nó sẽ ra sao.

    Vì lý do đo, để biết những gì là đặc trưng tạo nên tính chất của người Bình Dương, chúng ta phải tạm chấp nhận mô tả con người Bình Dương từ năm 1975 trở về trước, thời điểm mà những dòng nhập cư khác nhau chưa nhiều  hoặc đã định cư trên cộng đồng này một khoảng thời gian tương đối dài, đủ để hoà nhập vào xã hội của người Bình Dương, hình thành nên những tính chất của BD nói chung.


Tác gia?: Hoàng Anh

Những con đường chợ Thủ


Thưở xưa, sông Sài Gòn chảy dọc theo chiều dài của tỉnh là lối giao thông chủ yếu, ghe thuyền xuôi ngược trên dòng sông vận chuyển những người khai hoang đi tìm đất mới hay đem hàng hóa xuống tận miền Tây, lên tới Dầu Tiếng, Cao Miên. Người Pháp, khi đánh xong thành Gia Định cũng đã dùng chiến thuyền ngược theo dòng sông này mà lên chiếm luôn Thủ Dầu Một. Một trận đánh ác liệt, đổ nhiều máu có lẽ đã diễn ra trên dòng sông này, giữa những tên xâm lược và những chiến binh dân ấp dân đinh liều chết để giữ gìn sông nước của quê hương. Một vị võ quan, tương truyền tên là Văn Đức Lại đã chỉ huy việc trấn thủ và hy sinh trong trận đánh ấy, nay, tiếc rằng sử sách không còn để giúp ta biết thêm về những vị anh hùng vị quốc vong thân thời xưa ấy.
Chiếm được đất rồi, kẻ cai trị lo xây dựng củng cố vùng đất mới và việc giao thông dần dà hình thành, phát triển, quá trình ấy bắt đầu được ghi nhận bằng giấy bút lưu lại đời sau giúp cho hôm nay ta còn biết được ít nhiều về quang cảnh thời ấy.
Nhà văn Sơn Nam viết:
“Năm 1900, lúc kỹ thuật xe ô tô còn thô sơ, một tay thực dân là Ip-po-lit-tơ (Ippolitts) đã thầu dịch vụ chở thư từ, công văn đi Thủ Dầu Một mỗi tuần. Công ty tàu thủy của Pháp thử mở tuyến đi và về, 2 tuần một lần, vào ngày thứ sáu, từ năm 1885, nhằm chở lính, gạo cho đồn bót, chuyến về thì kéo đòan ghe chở củi, cây súc.”
(Sơn Nam,Truyền thống văn hóa, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.339)
Thập niên sau, căn cứ theo tập Địa chí tỉnh Thủ Dầu Một năm 1910, việc lưu thông có bước phát triển khá hơn:
“Một chiếc sà-lúp của người Hoa tương đối tiện nghi mỗi ngày có chuyến khứ hồi giữa Thủ Dầu Một với Sài Gòn. Tàu khởi hành 7 giờ sáng ở Thủ dầu Một và 6 giờ chiều thì đã về cập bến. Mỗi lượt đi hay về chỉ mất 2 giờ 30. Đường sông quanh co đẹp như tranh vẽ, giữa đôi bờ xanh tươi và thuyền bè đi sông đi biển chở nặng gỗ cây, trái cây, lúa gạo và muối ăn.”
(Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.213)
Tư liệu của Tổng niên giám Đông Dương 1910 cũng cho biết:
“Một tàu thủy của hãng Yeng-Seng chạy trên sông Sài Gòn mỗi ngày một chuyến khứ hồi từ Thủ Dầu Một tới Sài Gòn. Sáng 7 giờ khởi hành từ Thủ Dầu Một tới Sài Gòn hồi 10 giờ. Chiều 3 giờ khởi hành từ Sài Gòn tới Thủ Dầu Một hồi 6 giờ. Lượt đi cũng như về, đều có ghé tại Lái Thiêu. Giá vé một lượt, hạng nhất 0đ80, hạng nhì 0đ50 và hạng ba 0đ40.”
(Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.220)
Muốn qua sông, người ta phải đi đò, bến đò nằm ngay tại khu chợ cá, thời đó đò chưa có động cơ mà phải nhờ hai trục bánh xe gắn ở hai bên đuôi thuyền, nối liền với các cánh quạt, khi di chuyển có hai người đàn ông đạp trục bánh để tạo lực và điều khiển hướng đi của thuyền. Gặp khi nước ngược, thuyền thường bị đẩy giạt đi khá xa. Mỗi chuyến chở được cũng đôi ba chục khách. Có vị cao niên kể rằng đôi khi thuyền còn chở cả xe ngựa, nhưng phải đợi khi nước lớn để tránh độ dốc ở hai bờ sông.
Những con đường bộ được hình thành dần sau đó, đường đất, gập ghềnh và lầy lội trong mùa mưa, phương tiện di chuyển chỉ có xe bò hay xe ngựa. Một đọan văn xưa miêu tả:
“Chợ nằm ngay khúc quành của dòng sông, chiếm hết hậu trường của khung cảnh. Bên phải và bên trái là những lùm bụi um tùm và các cội cao tơ như nép sát vào bờ sông bên con đường mòn màu đất đỏ quạch đã vẽ thành những đường rực lửa cắt ngang nền xanh của vùng đất trù phú hoang vu này”
(Hòai Anh, Thủ Dầu Một dưới mắt người Pháp, tạp chí Xưa và nay số 45B, tr.15)
Mãi đến khi người Pháp qua mới bắt đầu mở mang kiến thiết đường xá thành một mạng lưới giao thông cơ bản và khá hòan chỉnh, một số con đường chính cũng được tráng nhựa để phục vụ cho xe có động cơ chạy xăng dầu.Hệ thống giao thông toàn tỉnh được ghi nhận như sau:
“Tòan tỉnh có 210 km đường bộ, chia ra 190 km đường rộng 4m và 20 km đường rộng 3m. Chỉ có 25 km đường thuộc Sở lục lộ, còn là đều do tỉnh phụ trách bảo trì. Người đứng đầu cầu đường tỉnh là một viên chức bản xứ. Du khách ai cũng thán phục là đường lộ của tỉnh nhà thật tươm tất.
Một số đường đang được cải thiện và nối dài”
(Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.213)
Những con đường đang được “cải thiện và nối dài” đó là đường từ Sài Gòn lên tới Bến Cát, đường qua Biên Hòa, Tây Ninh, và con đường từ Lái Thiêu qua Tân Uyên, Biên Hòa.

Chợ Thủ Dầu Một
Đến năm 1934, chợ Thủ Dầu Một, nhà làng Phú Cường, hệ thống dẩn nước được khánh thành trọng thể, cùng với những con đường được tráng nhựa giới hạn xung quanh khu vực chợ. 
Con đường quan trọng nhất ở giai đọan này là đường liên tỉnh nối liền Sài Gòn với Thủ Dầu Một, nối dài thêm mãi về sau chạy lên tới Lộc Ninh, qua Cam Pu Chia,  ngang qua các đồn điền cao su rộng lớn,  dưới chế độ miền Nam có tên gọi là Quốc lộ 13. Tài liệu từ năm 1910 cho biết:
“Đường bộ nối Thủ Dầu Một với Sài Gòn dài 28km luôn được bảo trì tốt. Nếu đi xe hơi (1910) thì mất 3 khắc, còn xe ngựa thì mất 2 giờ 30. Tới Lái Thiêu đã bắt đầu leo dốc quanh co thoai thỏai, cảnh vật thật ngọan mục.”
(Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.212)
“Đường bộ từ Sài Gòn tới Thủ Dầu Một mất 20km qua đường thuộc địa số 2. Mỗi ngày có 2 chuyến xe đò. Đường đó sang tới Cam Pu Chia”
(Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.220)
Như vậy tên của con đường quốc lộ 13 thưở đầu thế kỷ là đường Thuộc địa số 2, một cái tên khá xưa nay còn biết. Đây là con đường huyết mạch của tỉnh, hai bên nhà cửa san sát, khang trang, hàng quán trưng bày đẹp mắt. Đến năm 1973, người Mỹ xây dựng thêm tuyến đường mới, gọi là đường xa lộ (nay thuộc đại lộ Bình Dương), chạy từ Lái Thiêu lên đến khu vực Mũi Dùi (xã Chánh Hiệp, nay là phường Hiệp Thành) để giải tỏa bớt áp lực của xe cộ lưu thông trên đọan đường chạy ngang trung tâm chợ. Đường xa lộ rộng, láng, đem đến sự ngạc nhiên và thán phục của dân chúng, tuy nhiên xe cộ chưa lưu thông nhiều trên đường này mà dành cho xe loại lớn như xe be, cam nhông và đặc biệt, các loại xe quân sự, đôi khi chạy rì rầm cả đêm. Xin mượn tạm đọan văn sau đây, ghi lại hình ảnh của con đường xa lộ ngày trước:
“Một đoàn xe nhà binh mở đèn từ phía Tân Cảng Sài Gòn rầm rộ tiến trên xa lộ Bình Dương, kéo lê theo sau những thùng sắt khổng lồ chứa đựng quân lương và đạn dược. Bánh xe ép trên mặt lộ truyền từng cơn chấn động đến chỗ Cúc đang ngồi trong quán nước cạnh xa lộ. Chiếc xe quân cảnh mở đường hụ còi, đèn đỏ lớn hai bên vè chớp tắt cuống quít. Người lính ngồi trên xe nổ súng, đoàn xe dừng lại trước cuộn rào kẽm gai kéo chắn ngang con đường đất đỏ khá rộng dẫn vào rừng, hai người lính đứng sát hai bên rào gai. Gã quân cảnh bước xuống xe móc túi đưa lộ trình. Đoàn xe chậm chạp quẹo vào con đường đất đỏ, động cơ rầm rì. Cúc ngồi trong quán bên kia đường ngó qua. Cho tới lúc chiếc xe bọc hậu khuất sau đám bụi đỏ mịt mù. Trời xế trưa, nóng hực.”
…..
“Từ phía Bình Dương ào ào xô tới một đoàn xe tăng rầm rĩ, xích sắt chấn động làm rung rinh ghế Cúc đang ngồi, ly chai trên bàn va chạm leng keng. Cúc sốt ruột đứng dậy ra đứng bên cạnh Sáu Cụt. Đoàn xe tăng kéo lê theo sau mỗi chiếc một khẩu trọng pháo, nhiều cỡ khác nhau. Chiến xa dẫn đầu từ từ quẹo vô con đường đất đỏ, những chiếc sau nối đuôi, bầy rùa sắt chậm rãi bò tới, nặng nề, dọa nạt. Tiếp đến bốn chiếc cuối cùng có gắn liền ở tháp xe những khẩu trọng pháo dài ngoằn độ sáu bảy thước, theo sự ước lượng của Cúc, nòng pháo chĩa nghiêng chếch lên trời.”
(Kiệt Tấn, Điểm Hẹn Cuối Năm)
Từ năm 1999, đọan đường từ ngã ba Mũi Tàu (thuộc phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một) đến giáp ranh xã An Thạnh có tên mới là Cách Mạng Tháng Tám (dài 5.509, 9m).
Chạy song song với con đường này là con đường dọc theo bờ sông, từ giao lộ Bàu Bàng, đi 1741m đến Miễu Tử Trận, nay là một công viên nằm giữa ngả ba rẻ lên trường Sĩ quan Công Binh. Thời Pháp, đó là đường LaGrandièr. Tên đường hầu hết là do Tây đặt, và dĩ nhiên mang tên Tây, nay có lẽ chỉ còn duy nhất đường Yersin là dấu vết của thời đó.
Đường Hàng Dương (Đường Bạch Đằng)
Đường Bạch Đằng bắt đầu từ miễu Tử Trận, đi ngang qua khu vực xưa có tên là An Nhất Thuyền, nhiều người cho rằng sở dĩ có địa danh đó là vì xưa đây là vùng đóng thuyền ghe nổi tiếng của Nam bộ, có lẽ do suy ra từ chữ “Thuyền” chăng?. Theo học giả Nguyễn Đình Đầu, thì “Thuyền” chỉ một đơn vị hành chánh tương đương cấp ấp, thời đó cả miền Nam có năm “thuyền” như vậy. về các trại ghe, nhà văn Sơn Nam cho biết rõ hơn:
“Theo tư liệu của sĩ quan Pháp là Đờ-Gra-Mông (Lucien De Grammont) thì đã có một viên quản đồn điền nắm quyền, dân tập trung ở khu vực gọi “đường phố dài”, tại thủ (đồn) có đến 22 xí nghiệp cở lớn chuyên đóng ghe. Tác giả này không ghi chi tiết. Ta suy luận là những trại cưa xẻ gỗ đóng ghe tải (grands chantiers de construction). Có lẽ người Hoa tập trung về đây chăng?”
 (Sơn Nam,Truyền thống văn hóa, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.334)
Ông Nguyễn Liên Phong, đến năm 1909, cũng ghi nhận hình ảnh này:
“Trại ghe trại ván sẳn cùng
Sông sâu nước chảy điệp trùng bán buôn” 
(Nguyễn Liên Phong, Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, sài Gòn, Phát Toàn, 1909, tr.14)
Trại đóng ghe, qua những gì còn lưu lại như trên, cho thấy từ khi Pháp mới đến cho tới hồi đầu thế kỷ 20 là một hình ảnh ấn tượng của địa phương. Nơi đóng ghe, tất yếu phải nằm men theo kinh rạch, sông để thuận lợi cho việc vận chuyển cây gỗ và  hạ thủy khi sản phẩm hoàn thành. Có thể suy luận thêm, như vậy từ thời xưa, con đường này đã khá nhộn nhịp, đông đúc xe cộ và người qua lại. Tuy nhiên không biết tại sao, chỉ vài mươi năm sau thôi thì các trại ghe này không còn nhìn thấy nữa.
Qua khỏi thuyền An Nhất thì đến cầu ông Kiểm (còn gọi cầu Cây Cui,có phải đọc trại từ cây Keo, vì bên cầu có một cây keo rất lớn?), phía tay phải là trường Mỹ Thuật (xưa hay gọi trường Bá Nghệ) xây dựng tại đây từ đầu thập niên 30 thế kỷ trước.Tay trái là sở Quan Thuế. Từ đây, phía mặt tiếp giáp với dòng sông, phía trái là các trụ sở cơ quan của chính quyền, cho đến khi tới chợ.  Dựa vào hình ảnh trên các tấm bưu thiếp từ thời Tây nay còn lưu lại, có thể nói rằng đây là đoạn đường xưa và đẹp nhất của chợ Thủ nhờ nằm sát bờ sông, phía bên sông là vườn trái cây xanh hiền hòa, bên đây là nhiều công trình kiến trúc của Tây. Nhất là ngọn đồi cao với nhiều cây cổ thụ, bao quanh tòa nhà làm việc của quan Tham Biện tỉnh. Theo Trần Bình Dương, ( Trong bài Hàng Dương-con đường đẹp nhất Bình Dương) dựa vào tài liệu của Baurac ( La Cochinchine et ses habitants-Sài Gòn 1899) và Monographie de Thu dau Mot 1910, đầu những năm 1890, chính quyền Pháp ra lệnh đốn hết hàng trăm cây dầu mọc ven đường và trồng tòan cây dương ( peuplieur filao), từ đó, dân gian mới gọi là đường Hàng Dương (Bình Dương, miền đất anh hùng, nhiều tác giả, nxb.Trẻ, 2006, tr.149). Từ năm 1910 đổi thành đường Bạch Đằng, dân gian cũng gọi là bến Bạch Đằng (Pháp gọi Quai de Belgique) để chỉ đọan đường chạy ngang tòa Tham biện tỉnh.
Bài vè xưa về chợ Thủ mô tả con đường này:
“Bên sông chợ cá
Đường đi mát quá
Lại có Hàng Dương
Đi thẳng một đường
Lên cầu ông Kiểm
Máy cưa bằng điện
Bá Nghệ một bên
Từ đó đi lên
Có hai dãy phố
Đàn bà thiệt ngộ
Quần vận bằng chăn
Đầu uốn tóc quăn
Xem ra rất tốt
Nhìn bốn cây cột
Có bốn con rồng
Chữ đề ở trong
Là Miễu Tử Trận”
Hồi ký của Grammont có đọan văn khá tài hoa hết lời ca ngợi quang cảnh nơi đây:
“Sự bố trí ở đây được coi là một khung cảnh hòanh tráng, cộng thêm những vẻ mỹ miều của các danh thắng, mà không làm mất đi phần nào tính cách hoang sơ thôn dã của nó. Độc đáo tự nhiên của khu vực đã tạo ra một nhiệt độ ôn hòa, nhờ những cây cổ thụ đã che bớt sức nắng gay gắt của buổi ban trưa. Vào những ngày đẹp trời, khi chiều xuống, nếu có ai dừng lại ở giữa cao nguyên, vì ngay lúc mặt trời sắp lặn, các ánh hòang hôn hiu hắt sẽ được ngọn gió nồm đìu hiu thổi về làm tắt lịm hẳn đi. Ánh vàng bàng bạc còn chiếu lên tất cả những đường nét chi li của tòan khung cảnh trang hòang tuyệt mỹ này, một cách tự nhiên, hòa hợp với vô vàn hương sắc hòa quyện trong hơi ấm của dòng sông, tỏa lên tận các tàng cây rủ bóng, từ các lùm bụi cỏ hoa, ta tưởng chừng một thóang đã để hồn lâng lâng giữa một tòa nhà kính bao trùm lên những lượn sóng triều, xanh biêng biếc. Thế là ta không còn tưởng mình ở đất Nam kỳ nữa: không còn những ruộng lúa, những đầm lầy với ánh nắng chói chang như lửa. Ta cứ tưởng như gặp lại đâu đây những cảnh đẹp lừng danh của vùng Tân thế giới và ta như cảm thấy sống lại trong ta một kỷ niệm xa xôi, vui nhộn, mà rạo rực, của những dòng sông trù phú đã được mô tả trong áng cổ thi bất hủ của Attala. Tôi đã sống qua suốt bảy tháng trời tại đây. Trong suốt thời gian này (Tôi ngần ngại không dám tự thú) dường như có đôi lần tôi đã quên hẳn nước Pháp.”
(Hòai Anh, Thủ Dầu Một dưới mắt người Pháp, tạp chí Xưa và Nay số 45B, tr.16)
Một trăm năm sau, năm 1954, nhà văn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền có thời gian về dạy học tại trường trung học tư thục Nguyễn Trãi ở Bình Dương. Trong một lá thư ông viết cho một người học trò cũ của mình ở thời kỳ ấy (giáo sư Võ Tấn Phước), ông cũng nhắc đến con đường Hàng Dương:
“Tôi rất thích con đường bờ sông vắng vẻ với một bên là khu tòa tỉnh cây cối um tùm, một bên là mặt nước trải phẳng , xa xôi và hiền lành; ngồi ở ngôi nhà thủy tạ bên bờ sông có thể trông xa tới tận ngôi trường Công Binh nằm phía bên kia cây cầu xi măng ngắn nơi ngăn cách con đường tráng nhựa của thị xã và con đường đất bụi của vùng ngọai vi.”
(Thư của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền gởi người học trò cũ, ngày 18-01-92)
Khi người Pháp đến, trên đường đã tồn tại hai ngôi chùa cổ:
“Một ngôi chùa nho nhỏ đã biến cải thành vọng gác cất chồm ra bờ sông và nằm chắn ngang giữa bãi. Làm nền cho ngôi chùa là một cây xòai tơ, điểm nhô ra xa nhất của cái ghềnh  nho nhỏ này.
“Ngôi chùa kia nằm lui về đường ranh giới bên trong của địa điểm nổi bật này. Ngôi chùa đã biến thành một thứ đồn lũy nhỏ với các trại quân và công sự phòng thủ. Hông chùa tiếp giáp với bờ sông là một chiến lũy có lỗ châu mai thiếp lập dài theo bờ thành. Sự bố trí ở đây được coi là một khung cảnh hòanh tráng, cộng thêm những vẻ mỹ miều của các danh thắng, mà không làm mất đi phần nào tính cách hoang sơ thôn dã của nó.”
(Hòai Anh, Thủ Dầu Một dưới mắt người Pháp, tạp chí Xưa và nay số 45B, tr.15)
Tác giả nhận xét về hai ngôi chùa như sau:
“Tòan vùng sẽ tạo cho ta một nỗi niềm thành kính đối với quê hương đất nước này. Ai cũng nhận thấy điều đó nhờ có hai ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa là một tòa kiến trúc uy nghi. Ngôi nằm gần dòng sông là ngôi đẹp nhất. Từ ngày bị xâm chiếm, ngôi chùa đã trải qua bao cuộc đổi thay. Đầu tiên là trại quân, tiếp sau đó làm lỵ sở của tỉnh, rồi tòa án, rồi nhà ở của Bộ Chỉ Huy, và cuối cùng chùa được giao cho một nhiệm vụ tầm thường là một câu lạc bộ, rồi một phòng ăn.”
 (Hòai Anh, sđd)
 Nhà văn Sơn Nam ghi chép rằng:
“Các vị bô lão còn kể lại: địa điểm chợ Thủ Dầu Một là bến xe trâu, thuận lợi để tắm trâu và rửa xe. Gần bến là quán trà Huế, quán cơm, lần hồi thành chợ”
(Sơn Nam, Truyền thống văn hóa, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.337)
Ông Nguyễn Liên Phong, vào năm 1909, cũng cho biết một chi tiết quan trọng về nguồn gốc của chợ Thủ:
“Chợ đông người nhóm dập dều
Chợ Thủ nguyên trước cựu triều bến xe”
(Nguyễn Liên Phong, Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, sài Gòn, Phát Toàn, 1909,tr.14)
 Khu vực bến đò và chợ cá, rất có thể là bến xe trâu thưở xưa. Qua khu vực chợ cá, có nhà thầy Năm Trong nổi tiếng giàu có, nay chỉ còn lưu lại cây trụ cửa ngỏ đúc bằng gạch và xi măng có chạm trổ hoa văn. Kế đó là nhà bảo sanh của bà Năm Chi, nay là khu chung cư cao tầng.Vượt qua cây cầu là khu vực của người Tàu, đông đúc, náo nhiệt, nhà cửa có nhiều màu đỏ đặc trưng của họ. Phía tay trái có ngôi nhà to và đẹp nhất khu vực là dinh cơ của Hội đồng Ngôn, vào thập niên 50 là xưởng sản xuất loại đĩa nhựa 45 vòng chuyên dùng để thu các tuồng cải lương và vọng cổ.
 Đến giao lộ Bàu Bàng (trước là đường Trương Vĩnh Ký), còn gọi khu Lò Heo, thuộc đường Nguyễn Tri Phương, kéo dài 3350m đến giao lộ 30-04.
Từ lúc này, con đường chạy len lỏi giữa những làng mạc vườn quê xanh mát và hiền hòa, qua nhiều cây cầu nhỏ và ngôi miếu thờ Bà Thiên Hậu (bên cầu Thủ Ngữ, đây là tiền thân của “Chùa Bà” ở đường Nguyễn Du hiện nay). Đi mãi, sẽ đến cảng Bà Lụa với ngôi đình cổ nổi tiếng linh thiêng và nhất là nét đẹp về kiến trúc đặc trưng truyền thống của Nam bộ. Đình xây từ khi nào không rõ nhưng khi Pháp mới qua, ngôi đình này đã có mặt và được nhắc tới:
“Sau khi đi ngang qua chợ, các bạn sẽ ra đi khỏi làng, về phía Nam. Rồi các bạn lần theo một con đường mòn xinh xinh có những đường viền linh động. Nhiều cây cầu bắc ngang, những hàng rào xương rồng cao cao, những cây cối xum xuê đầy triển vọng, nó dành cho bạn muôn ngàn sự bất ngờ sau mỗi bước đi. Bạn sẽ đi tới bờ kinh, nơi kết thúc khu dân cư, cách đó chừng năm cây số. Tại đó bạn sẽ gặp ngôi chùa Bà Lụa, chùa cất dưới một vòm lá cao khoảng 150 bộ, giữa gốc ba cổ thụ to, tôi chưa từng thấy bao giờ. Có khi chúng tôi cũng đi săn tới nơi đó  và ở lại nghỉ chân suốt nửa ngày mà không phải lo sợ điều gì, cuộc dừng chân là để chúng tôi giải khuây phần nào với những người dân địa phương và nghề nghiệp của mình”
(Hòai Anh, sđd, tr.16)
Chạy song song và cắt ngang hai con đường Bạch Đằng và Cách Mạng Táng Tám có  nhiều con đường ngắn hơn, tạo thành mạng lưới giao thông của khu vực chợ Thủ. Đáng kể trước tiên nhất là hai con đường chạy cặp hai bên ngôi chợ, đường Nguyễn Thái Học và đường Đòan Trần Nghiệp.
Đường Nguyễn Thái Học từ nhà làng Phú Cường (nay là trụ sở  Ủy ban nhân dân phường Phú Cường) chạy  đến đường Bạch Đằng ở bờ sông, dài 356,9m. Đời Pháp, gọi là đường Garrido, sau 1954, đổi lại là Thái Lập Thành, rồi mới có tên Nguyễn Thái Học cho tới nay.
Thái Lập Thành là tên của vị Thủ Hiến Nam Kỳ, thay ông Trần Văn Hữu. Ngày 31 tháng 7 năm 1951, trong một lần tham dự buổi lễ tại tỉnh Sa Đéc, ông cùng viên Tư lệnh quân đội Pháp ở Nam phần là Charles Chanson bị ám sát chết bởi một cảm tử quân kháng chiến Việt Nam tên là Phan Văn Út. Sự kiện này gây rúng động cả Sài Gòn và Paris vào thời đó.
Đường Nguyễn Thái Học thời xưa có đường ray xe điện làm bằng gỗ cây, có móc nối vào dây điện phía trên, chạy đến nhà hàng và phòng ngủ Nam Bắc Hiệp. Phía bên kia, trước chợ đồng hồ có nhà ga cất hình chữ thập (sau 1945, khi nhà ga ngừng họat động đổi lại là phòng Thông tin, rồi là nơi bán sách vở, văn phòng phẩm). Xe điện có được ba toa, có bánh lái ở hai đầu xe, khi rời bến, tài xế chỉ việc đổi ra phía sau. Mỗi đầu xe có hai ngọn đèn làm tín hiệu, khi bật đèn trắng là đầu xe, còn đèn đỏ là phía sau xe. Khi xe chạy, sẽ có người đi bán vé, từng trạm sẽ có màu vé khác nhau thuận tiện cho nhân viên đi kiểm tra.
 Lại cũng có mấy người lớn tuổi, thưở nhỏ từng đi xe điện nay vẫn còn nhớ, người nói là xe điện; người thì bảo thực ra xe chạy bằng hơi nước. Gần đây đọc một bài viết của Sơn Nam, ta biết thêm:
 “Pháp cho mở thêm tuyến xe lửa (chạy hơi nước, sau chạy điện) từ Sài Gòn, Bà Chiểu, Hóc Môn lên Lái Thiêu, về sau nối lên Lộc Ninh nhằm chở mủ cao su về Sài Gòn).
(Sơn Nam, Người Bình Dương, Nam Bộ xưa và nay, nxb. Tp Hồ Chí Minh,1998, tr.154)
Chỗ này dường như ông Sơn Nam cũng có điểm lầm, thực ra lúc đó có hai đường rầy khác nhau, một cho xe lửa và một cho xe điện. Tuy nhiên kết hợp hết các thông tin này, có thể nói rằng đường xe điện lúc đầu chạy hơi nước, về sau tiến bộ hơn thì mới thực sự chạy điện, vì vậy mà các cụ kể lại không giống nhau vì họ đi ở các thời điểm khác.
 Qua khỏi chợ, xe chạy vòng qua Nhà Làng, vòng qua bến xe cũ (nay là công viên Phú Cường) xuống trạm Phú Văn, Búng, Cây Me, Lái Thiêu rồi mới qua cầu Phú Long.
 Đường xe điện này bắt đầu có giấy phép thực hiện vào ngày 27-7-1889, đưa vào sử dụng từ 17-09-1897, chạy từ Sài Gòn tới Gò Vấp, sau nối dài qua vùng Ba Thôn tới bờ kia của sông Sài Gòn ở Lái Thiêu. Sau khi cầu Phú Long xây dựng xong, đường ray đựơc nối dài lên chợ Búng, Phú Văn và tới chợ Thủ vào năm 1923. Đến năm 1945, vì chiến tranh, tuyến đường này ngưng họat động.
Trên dãy phố dọc theo con đường Nguyễn Thái Học nay còn lại vài ngôi nhà đã trên 70 năm, kiến trúc khá đẹp theo kiểu thời xưa. Một trong những căn đó là Thiện Đức Đường, của ông bang Kề, người Việt đọc trại ra là bang Cờ, người Phước Kiến. Nổi danh là người giàu có, ông còn được người thời nay nhớ đến vì giai thọai thi nhau đốt pháo với một ông bang giàu có nhà kế bên trong lễ hội rằm tháng giêng. Chuyện này được nhà văn Bình Nguyên Lộc kể lại trong truyện ngắn “Người tài xế điên”, với hai nhân vật mang tên “ông bang Sa”, chủ tiệm sắt và “ông bang Lếnh”, chủ tiệm gạo:
“Nhưng chắc chắn là cúng nhiều, kéo nhau đi ngòai đường và “cái đinh” của ngày lễ là đốt pháo đua. Ông cắc chú nào đốt nhiều hơn ông khác là ăn. Không ăn cái gì hết, nhưng được đồng bào của họ phục lắm.
Thực ra chỉ vài ông bang trong tỉnh lỵ mới dự cuộc đua đốt pháo này, vì phải đốt hàng mấy giờ liền, nếu không làm ăn lời to thì đừng mong đua với ai.”
(Bình Nguyên Lộc, Người tài xế điên, Tuyển tập BNL II, nxb. Văn Học, 2002, tr.794)
Về sau, vợ chồng bà bảy Lìn có thời gian sống ở ngôi nhà này trước khi dời qua căn nhà ở đường Đòan Trần Nghiệp, trước là tiệm thuốc tây Trần Tấn, nay là tiệm giày Bitis.
Đường Đòan Trần Nghiệp dài 366,7m, tên thời xưa là Rechaud, chạy song song với đường Nguyễn Thái Học, cũng bắt đầu và kết thúc như con đường này. Vè xưa tả lại cảnh vật trên đường  khá sinh động:
“Có tiệm cà phê
Có người quạt nước
Rủ nhau bày sọan
Có tài có tuổi
Có may có rủi
Có vận có thời
Ngồi nghỉ một hơi
Bước vô tiệm hút
Người hút pho pho
Kẻ thì nằm co
Người thì nằm thẳng
Ba tiệm đăng đẳng
Người ta rất đông”
Chợ Thủ xây cất theo mô hình một chiếc tàu, nên dân chúng có người còn gọi vui là “Hàng không mẫu hạm”, nếu vậy thì hai con đường cặp hai bên có thể mường tượng như hai dòng nước chảy hai bên mạng tàu khi lướt sóng trên đại dương, nhứt là khi ngắm nhìn từ trên cao, lúc xe cộ nối đuôi nhau dập dìu trên hai con phố. Các bức ảnh còn lưu lại từ hồi đầu thế kỷ cho thấy thời trước chỉ là những ngôi nhà thấp đơn sơ, có lẽ phải đến khi chợ được xây dựng lại vào đầu thập niên 30, hai con đường được trải nhựa thì các ngôi nhà lầu đẹp mới thi nhau lần lượt mọc lên.
Nằm bên trái đường Đòan Trần Nghiệp có vài con đường chạy song song với nó, gần nhất là con đường ngắn dài khỏang 100m bắt đầu từ đường Hùng Vương đến đường Trừ Văn Thố. Trước năm 1980 có tên Triệu Ẩu, sau đổi thành Bà Triệu. Trên đường này có hai căn nhà xưa, ở góc đường là nhà của ông chủ rạp Thanh Bình, giữa đường là nhà của dòng họ ông Đốc phủ Biện. Hai căn nhà này nay vẫn còn, nhưng có vẻ cũ kỷ, hoang phế. Có một thời, con đường này còn là bến xe ngựa, mãi đến sau 1985, khi người đi xe ngựa thưa thớt dần thì mới hết.
Kế tiếp là đường Văn Công Khai. Thời Tây gọi là Rue Daniel, sau 9/3/1945 Nhựt đảo chánh Tây thì đổi lại là Rue des Poteries. Dưới chế độ miền Nam đặt lại là Võ Tánh, đến 1980 có tên là Văn Công Khai cho tới nay. Đường dài 487,7m từ đường Hùng Vương đến đường Bàu Bàng. Đầu đường có ngôi nhà không to lắm nhưng kiến trúc cũng khá đẹp là nhà của ông phán Dần, làm lục sự tòa án. Trên đường có nhiều trường học, như trường tiểu học Trí Tri (ngôi nhà xưa bên cạnh phòng khám đa khoa thị xã hiện nay, ngôi nhà này nguyên của ông Trần Văn Lý, còn gọi là ông Tư Lý, cũng từng có lúc là phòng khám bệnh của bác sĩ Rạng, con ông bà Năm Chi, mua lại của ông Ba Cảnh ), trường Chim Non (Thầy Giáo Thọ dạy, nổi tiếng nghiêm khắc), trường Nghĩa An của người Hoa, trường trung học tư thục Nghĩa Phương (do thầy Lê Bích, một kiến trúc sư từ Sài Gòn về là Hiệu trưởng). Trường trung học tư thục Nguyễn Trãi do thầy Nguyễn Tiên Sanh sáng lập năm 1955, một trong những ngôi trường đầu tiên của tỉnh, nằm cách đường cũng chỉ vài chục mét Đường từng có tên là Rue des Poteries, tiếng Việt là đường Lò Chén, có lẽ vì nếu đi thẳng riết trên con đường này, người ta sẽ đi qua vùng lò chén nổi tiếng của người Tàu ở Chánh Nghĩa, Bình Dương.
Thứ ba là đường Trần Tử Bình, trước năm 1999 có tên là Phan Văn Hùm. Đường bắt đầu từ  đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Lý Thường Kiệt, dài 343m.Ở đọan có đường Hùng Vương cắt ngang tạo thành ngã tư, có tên là ngã tư Quốc Tế. Không ai nhớ chính xác tên này có từ bao giờ và tại sao lại gọi như thế, nhưng từ xưa đây đã là nơi có nhiều tiệm cà phê, tiệm kem và quán ăn có tiếng, người qua lại khá tấp nập. Giai đọan giữa thập niên 60, ngòai số khách người Việt, đi với lính tráng còn có nhiều người Mỹ, Tân Tây Lan…có lẽ cái tên Ngã tư Quốc Tế ra đời trong bối cảnh này.
Từ đường Nguyễn Thái Học, có các con đường chạy cùng chiều song song bên cánh phải: Đường Đinh Bộ Lĩnh, đường Ngô Quyền, đường Nguyễn Văn Tiết.
Đường Đinh Bộ Lĩnh, kết nối hai con đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng, dài 339,5m, có tên đó từ 1945 đến nay. Khu vực đầu đường trước 75 là trụ sở của sở Học Chánh, qua phía ngả tư trở đi là trại giam, tường xây cao, đến cuối đường công trình kiến trúc đáng kể có nhà Bưu Điện, xây từ thời Tây, dân gian còn gọi nhà dây thép. Phiá tay trái của đường có ngôi nhà cổ của ông nha sĩ Trần Công Vàng, do ba của ông là Hội đồng Cần xây cất từ năm 1889, nay vẫn còn hầu như nguyên vẹn.
“Từ đó đi lên
Ông cò ở trên
Khám đường ở dưới
Tường xây cao dữ
Lại gắn miểng chai
Từ đó đi ngay
Xuống phông tên nước
Đi xuyên tuốt luốt
Tới nhà việc Phú Cường
Nhà cất bằng tường
Gắn máy radio”
Đường Ngô Quyền, tên thời Tây là Commandant Henri, nối hai con đường Phạm Ngũ Lão và Bạch Đằng, dài 539, 5m. Khởi từ đầu đường, phía tay trái là phiá sau của nhà thờ chánh tòa Phú Cường, phía tay mặt có khu trượt patin Tứ Hải, họat động nhộn nhịp được thời gian ngắn thì ngưng do lệnh cấm trò chơi này của chính phủ trước 75. Chạy dài theo con đường, qua ngả tư piscine (gần đó có một hồ bơi) đến ngả ba có con đường Nguyễn Tường Tam rẻ phía tay mặt chạy lên Thành Quan, ngang ngôi nhà to và đẹp của ông Cả Luận, một thầy thuốc Đông y nổi tiếng, đường này nay đổi lại là Ngô Chí Quốc, thời trước dân địa phương chỉ gọi là đường Đắp Mới, dù sau 1963 đã có tên là Nguyễn Tường Tam. Cũng trong năm này, cây cầu bắt qua con rạch nhỏ được làm lại kiên cố hơn, bọn trẻ con trong xóm thích đứng trên thành cầu nhảy xuống nước bơi lội, nơi đây trở thành địa điểm vui chơi của lũ nhỏ một thời. Qua khỏi cầu, phía tay mặt có nhà ông Năm Hí là một lò võ cổ truyền đã đào tạo được nhiều đệ tử.
Từ ngả ba rẻ lên đường đắp mới, phía tay trái đường Ngô Quyền là khu cư xá cảnh sát rồi đến khu cư xá sĩ quan gần tới bờ sông, còn tay mặt là khu xóm đạo, tức khu cư ngụ của người Công giáo. Hồi ký của ông Grammont mô tả khu vực này vào đầu thập niên 60 thế kỷ 19 như sau:
“Ở phía Bắc, cánh rừng thiêng danh tiếng là nơi tập hợp các họ đạo mới thành lập.”
(Grammont, Hoài Anh dịch, Thủ Dầu Một dưới mắt người Pháp, Xưa và nay 45B, tr. 15).
Một tài liệu khác cho biết rõ hơn về xóm đạo này. Trong bức thư của linh mục Phêrô Nguyễn Đức Nhi, cha sở người Việt Nam đầu tiên của họ Thủ Dầu Một  viết cho linh mục Poinat vào năm 1910 có đọan:
“Vốn trước kia, Đại Pháp qua Nam kỳ thì chưa có họ Thủ, hoặc có một hoặc hai người đạo hạnh lếu láo theo ở giữa kẻ ngọai hoặc có kẻ trốn cơn bắt đạo, đến đó ẩn tránh vậy mà thôi. Đến lúc đại Pháp đánh lấy thành Biên Hòa là năm 1861, thì qua chiếm cứ Thủ Dầu Một, vậy thì bổn đạo Tân Triều, Bến Gỗ, Búng, Lái Thiêu, Bến Sắn đổ tràn đến Thủ hoặc nương bóng cờ Langsa khỏi Trào Nam bắt bớ vì đạo, hay đặng buôn bán với người ngọai quốc. Bởi vậy sinh ra đông người có đạo ở đó. Tôi tưởng gốc họ Thủ như vậy”
(Kỷ yếu giáo phận Phú Cường 1965-2005, tr. 206)
Những người miền Bắc đạo Công giáo di cư năm 1954 có thể cũng đã gia nhập thêm vào khu vực này, nhưng gốc gác của xóm đạo, theo mô tả của các đọan văn trên cho thấy bắt nguồn từ xa xưa lắm. 
 Con đường này còn là lối đi chính dẫn lên trường Sĩ Quan Kỹ Thuật Công Binh ( xưa gọi thành Săng Đá (Vassoigne), do phát âm trại từ chữ soldat mà ra) do vậy là một trong những con đường khá đông đúc của một thời, nhất là vào những ngày cuối tuần, những người lính quần áo ủi hồ phẳng phiu dáng đi mạnh mẽ cùng với những người đi lễ nhà thờ quần áo tề chỉnh rảo bước, tà áo dài đủ màu sắc của các cô gái thướt tha theo gió đã làm cho phố phường như xinh đẹp hẳn lên.
Đường Nguyễn Văn Tiết, trước 1980 là Châu văn Tiếp, bắt đầu từ cuối đường Bạch Đằng, chạy dài 1276m thì gặp đại lộ Bình Dương, ngang qua địa phận của hai phường Phú Cường và Hiệp Thành. Tại điểm khởi đầu có một công viên nhỏ, trước đây là Miễu Tử Trận, được xây dựng từ thời Tây để tưởng nhớ những người Việt bị Tây bắt đi đánh trận chết ở nước ngòai, trong cuộc Đại chiến lần thứ nhất.
“Nhìn bốn cây cột
Có bốn con rồng
Chữ đề ở trong
Là Miễu tử trận
Khỏang năm 1970, tại đây có một cái tủ đựng máy vô tuyến truyền hình, ban ngày khóa lại, đến tối thì có người mở ra cho dân chúng trong xóm đến coi, ngồi chen chúc trên bãi cỏ. Hồi đó máy vô tuyến  truyền hình, nay gọi tivi, rất hiếm, nên dù phải ngồi dưới đất, ai nấy cũng say mê, nhất là vào những tối thứ sáu, thứ bảy có chương trình cải lương. Tại đây cũng là bến xe ngựa, vì rẻ về hướng trường Công Binh, phía tay trái có một ngôi chợ kiểu tiền chế do lính Tân Tây Lan (New Zealand) dựng lên, gọi là chợ Tân Tây Lan. Từ ngôi miễu, có :
Có đường đắp ngăn
Chạy thẳng thành quan
Có đường đắp ngang
Đi qua cầu dốc…”
Con đường mỗi lúc một cao dần, đi ngang qua khu ký túc xá của quân đội Tây, nằm phía tay trái, gọi là Thành Quan, công trình kiến trúc đó nay vẫn còn, là một di tích quý hiếm của tỉnh ghi dấu thời kỳ thuộc địa ảm đạm của địa phương. Phía tay phải, đối diện khu thành Quan này có một ngôi nhà nằm giữa khu vườn có trồng nhiều cây kiểng, khoảng năm 1973 được chọn làm cảnh quay bộ phim Ngọc Lan do nam diễn viên Bảo Ân và Thanh Lan thủ vai chính. Người trong xóm kéo đến chen chút xem hai tài tử điện ảnh nổi danh đóng phim.
Khi vượt qua quốc lộ 13 cũ, đường dẫn vào một xóm quê gọi là xóm chùa Đức Sơn vì phía bên trái, cách đường không tới 100m có ngôi chùa cổ xây từ thế kỷ 18 (1775) mang tên đó.
Ngòai các con đường vừa kể, có vài con đường nữa cũng đáng nhắc đến.
Đường Nguyễn Du, trước năm 1945, tên Tây là Rue La Bataille, dài chỉ 138,1m, từ Cách mạng Tháng 8 tới đường Yersin. Đường này tuy ngắn, nhưng dân ở đây ai cũng biết vì có ngôi chùa Bà, vào dịp rằm tháng giêng thì chen chân không lọt, trống múa cù rộn rã ngày đêm. Xung quanh đó lại có ba ngôi trường, trường Nam (trường tiểu học Nam Châu Thành, nay là trường Nguyễn Du), trường Nữ (trường tiểu học Nữ Châu Thành), hai ngôi trường xưa và lớn nhất tỉnh, và trường tư thục Đăng Khoa do thầy Nguyễn Văn An (ông Đốc An) lập. Tại trường này có một nữ sinh từng theo học một thời gian trong khóa hè, tên là Nguyễn Thu Cúc, sinh năm 1947, quê quán Bình Long, về sau trở thành ngôi sao ca nhạc nổi danh của miền Nam là Mai Lệ Huyền.
Sau năm 90, khu nhà trước chùa Bà bị giải tỏa để làm công viên, quang cảnh nơi đây trở nên rộng rải, thóang đảng hơn, và vào ngày rước cộ Bà, cũng đở cảnh chen lấn như trước.
Đường Phạm Ngũ Lão, xưa gọi là Rue des Jardins, từ đường Yersin, chạy 1280m thì đụng đại lộ Bình Dương. Ở đầu đường, đổ xuống một con dốc, phía tay trái là mặt sau của nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, từ giữa thập niên 60 đã xây dựng ngôi trường trung học Thánh Giuse. Phía tay mặt là ngôi biệt thự khá đẹp của một ông quan Tây làm việc tại tỉnh trong những thập niên đầu thế kỷ. Đường thường được dân gian gọi là đường Giếng Máy hay đường Bưng Cải.
“Xuống tới đầu chợ
Trại cưa trước mặt
Thổ mộ có hàng
 Rủ nhau sọan bàn
Đi về Bưng Cải”
Đầu và cuối con đường là hai cái dốc rất cao, phía giữa, như một thung lũng, là vùng đất thấp, có nhiều mạch nước ngầm phun lên, từ ngữ địa phương gọi là mội, nước trong, ngọt. Người Pháp xây một nhà máy khai thác nước ở vùng này để phục vụ cho khu vực chợ Thủ, do vậy mà có từ Giếng Máy để phân biệt với các mội nước tự nhiên trong vùng. Ông Nguyễn Đình Đầu nhận xét:
“Tòan tỉnh có nhiều mạch nước ngầm tốt. Chính tòa bố đã dùng nước giếng ngầm dẫn từ xóm Bưng Cải cách 800m về. Một lầu nước xây trên đồi cao cùng với 23 phông-ten ở rải rác cung cấp nước cho cả thôn Phú Cường. Nước Bưng Cải rất tốt, không phải các tỉnh khác của Nam Kỳ đều được nước tốt như vậy.”
(Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.212)
“Lầu nước xây trên đồi cao” mà tác giả đề cập, được mô tả vị trí chính xác là:
“Đài nước này rất gần trụ sở thanh tra, ở trên chỗ cao trông ra sông. Độ cao của nó cho phép cung cấp nước đáp ứng nhu cầu cho tỉnh.”
“Nước do các nguồn nước của Bưng Cải cung cấp có chất lượng tuyệt hảo. Đó là một thuận lợi lớn cho tỉnh. Ở khắp vùng Nam Bộ, nước ăn uống hầu như không tốt cho sức khỏe dân chúng”
(Địa chí Thủ Dầu Một-1910, tr.6, Thủ Dầu Một xưa qua địa chí 1910 và bưu ảnh, Hội khoa học lịch sử Bình Dương,2007)
Đây là một trong những con đường quê hiền hòa và nên thơ nhất của thị xã. Hai bên đường dẩn đến cây cầu nhỏ là hàng cây dầu cổ thụ cao vút, kế đó là hai mương nước trong veo, nhìn thấy rõ những đám rong xanh biếc và từng đàn cá đủ màu sặc sở nhởn nhơ bơi lội.Thời đó không hiểu sao người ta không bắt cá, không chích điện để tiêu diệt sạch sẽ tất cả các lòai sinh vật sống dưới nước như bây giờ. Nhà cửa thưa thớt, nằm ẩn mình giữa những vườn cây trái xanh um, mùa hè, ve kêu ran cả trời đất, trái chín lủng lẳng trên cành rất đẹp mắt.Giữa khung cảnh của làng quê nghèo hiền hòa mộc mạc ấy, ngôi nhà của ông Huyện Tình chợt hiện ra tráng lệ, uy nghi. Năm tháng trôi qua, nó vẫn đứng yên như vậy như thách thức với thời gian, chỉ có rêu mốc đóng trên mái ngói và tường vôi, nhất là trong những buổi chiều nắng vàng, là gợi cho người ta khó ngăn được cảm giác bùi ngùi mơ hồ, chạnh lòng  trước những dâu bể và tàn phai của muôn vật ở cỏi trần gian này. Người xưa đâu tá?
Đường Trừ Văn Thố, tên thời Tây là Rue Lacotte, ( có tài liệu ghi là Moriet, tên một sĩ quan Pháp), giai đọan 1957-1980 đổi tên là Lê Văn Duyệt, dài 138,3m gồm hai đọan, nối đường Văn Công Khai và Đinh Bộ Lĩnh, bị cách ngăn bởi khu chợ Thủ. Trên đường này, xưa Tây cho trồng hàng me hai bên đường, dấu vết nay vẫn còn. Một tiệm mì nổi tiếng trước 75 bán ở lề đường có thương hiệu là mì Cây Me, nay dời qua bán ở đường Văn Công Khai. Có vài ngôi nhà đáng chú ý như nhà bà Bảy Lìn, nay là nhà hàng Bông Sen, đối diện có khách sạn Bông Sen, lúc đầu dành cho Mỹ thuê, trước cũng thuộc bà Bảy. Kế bên nhà bà Bảy có ngôi nhà cũng khá xinh xắn là nhà của ông phán Nhơn, làm Đệ Tam Tham Vụ trong tòa Đại Sứ của chế độ miền Nam ở nước ngòai. Sau 75 ông bán nhà dời về Bình Chuẩn và qua đời nơi đó ít năm sau. Phiá bên kia chợ có khu nhà nghỉ Phi Long, có nhà ông đốc Di, một nhà giáo danh tiếng của thị xã trước đây, và nhà thuốc của đông y sĩ Nguyễn Văn Khê, thường gọi thầy Bảy Khê.
Đường Lý Thường Kiệt, tên thời Tây là Rossigmeux, dài 813,4m từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến đường Nguyễn Thái Học. Trên đường này nhà cửa san sát, có nhiều quán ăn, tiệm nước, có nhà bào chế thuốc Võ Văn Vân nổi tiếng cả Đông Dương một thời, và gần đó là rạp hát Bầu Liêu, rạp hát đầu tiên của chợ Thủ chuyên trình diễn các tuồng hát bội. Biệt thự tư nhân có nhà ông Đốc phủ Biện (Hạ Quang Biện), về sau có lúc là trụ sở Bảo an đoàn (1959), ông Phạm Ngọc Thảo (1922-1965), Tỉnh Đòan Trưởng, từng ở đây, nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim tình báo Ván bài lật ngửa. Con gái ông bà Đốc phủ, vợ của tiến sĩ Trần Văn Trai, từng lập ra hãng Mỹ Vân phim, có công phát hiện ra minh tinh Thẩm Thúy Hằng và thực hiện bộ phim Người đẹp Bình Dương tạo nên thanh danh cho phụ nữ tỉnh nhà. Căn nhà ông Đốc phủ Biện xưa đó, từ sau 1975 là trụ sở hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bình Dương.
Đường Hai Bà Trưng, tên thời Tây là Outrey, sau 1954 đổi lại là Trưng Vương, đến ngày 20-04-1998 Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương ra quyết định số 52/1998/QDUB đặt lại là đường Hai Bà Trưng cho đến nay. Con đường này dài 250m, nối hai con đường Văn Công Khai và Đòan Trần Nghiệp, thuộc phường Phú Cường.
Outrey là quan đầu tỉnh Thủ Dầu Một vào đầu thế kỷ 19, từ năm 1901, ông đã cho xây dựng trường Bá Nghệ (École des arts) trước chợ Thủ. Về sau trường này được dời về vị trí hiện nay ở đường Bạch Đằng. Đây được xem là ngôi trường mỹ thuật sớm nhất ở nước ta. Trước khi được bổ nhiệm làm quan đầu tỉnh TDM, ông từng làm cũng chức vụ ấy ở Vũng Tàu, là người có công vạch kế họach thiết kế Vũng Tàu thành trung tâm nghỉ mát miền biển.
Người Bình Dương khó quên con đường này, vì giữa đường có rạp hát Trần Trung Hí Viện, về sau đổi tên là rạp Thanh Bình, nơi diễn các tuồng hát bội, cải lương, đại nhạc hội và về sau còn chiếu phim. Bình thường đây là khu phố của người Tàu, với vài tiệm làm mì, bán tương, nhang đèn ở đầu đường, ở bên lề, có một vài ngừoi Việt bán truyện tranh, bán dế, cá lia thia…khách hàng chủ yếu là bọn trẻ con, nhưng mỗi khi có đòan hát về, nhất là vào mấy ngày Tết thì con đường trở nên đông đúc, náo nhiệt, rộn rả ngày đêm. Ở góc đường tiếp giáp với đường Võ Tánh là công xi rượu của bà Bảy, nay không còn.
“Từ đó xuống sông
Tới nhà Út Chánh
Có đường đắp ngắn
Đến rạp Trần Trung
Chưng hình mỹ nữ
Bán đồ sành sứ
Đông đảo chỗ này”
Kể đến đây, dĩ nhiên là chưa nói hết về các con  đường ở thị xã, hy vọng sẽ có dịp bổ sung, khi sưu tập thêm được nhiều tư liệu.
“Mênh mông đại hải
Khắp cả châu thành
Tôi không biết nữa…”
(Vè chợ Thủ)
Viết về đường chợ Thủ như trên, điều làm người viết lo lắng nhất là sự chính xác của những gì trình bày. Chúng tôi đã cố gắng thu thập từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, quan trọng nhất là ghi lại từ lời kể của các cụ cao niên nay còn nhớ chuyện ngày cũ, chỗ được chỗ mất. Chúng tôi đã nhờ nhiều cụ đối chứng, kiểm tra, tuy vậy thời gian đã quá lâu thì những gì còn lưu giữ trong ký ức khó tránh được sự nhầm lẫn. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình, và rất mong được sự giúp đở của tất cả những ai còn nhớ về chuyện cũ ở Bình Dương.
Kể chuyện quá khứ xa xăm, mù mịt, mong nhất là ít điều sai sót. Muốn vậy, phải nhờ cậy đến sự chỉ bảo của nhiều người.
 
Tác gia?: Hoàng Anh
(06-07-10)