Wednesday, February 15, 2012

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bình Dương

Là một phần của vùng đất Gia Định xưa, Bình Dương gắn liền với lịch sử 300 Sài Gòn - Gia Định cùng những nét đặc trưng văn hoá độc đáo của vùng Nam Bộ.

Nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên, vùng đất Bình Dương mưa thuận gió hoà, đất đai màu mỡ, thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn quả nên rất nổi tiếng với vườn cây trái Lái Thiêu thuộc 4 xã An Nhơn, An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định.

Bên cạnh đó, Bình Dương từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất có những làng nghề truyền thống đặc trưng. Dù trải qua nhiều thế kỷ, các làng nghề ấy vẫn giữ nguyên vẹn và luôn hấp dẫn những ai muốn khám phá tinh hoa của làng nghề cổ xưa này.

Gốm Bình Dương - Tình người và đất

Nói về gốm thì Bình Dương thuộc loại hàng đầu cả nước về số lượng lò và sản phẩm bán ra. Trong đó phần lớn là lò gốm cổ, vẫn giữ nguyên lối sản xuất theo phương pháp truyền thống hàng trăm năm qua.

Theo chân người hướng dẫn của Bảo tàng Bình Dương, chúng tôi đến thăm lò gốm Huỳnh Nguyên gần ngã ba Lò Chén, khu Chánh Nghĩa, Thị xã Thủ Dầu Một (TX.TDM). Trời đã đứng bóng nhưng các công nhân đang tranh thủ phơi hết số chén cho kịp nắng.

Tôi đến bên một người đang hì hục với đống đất dẻo mới nhào xong. Anh tên Thanh Quang, đã hơn 20 năm làm nghề gốm cổ ở Bình Dương. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn đống đất dẻo và mềm đến lạ lùng, anh nói: "Đất này đã được lọc kỹ rồi, chỉ còn phần nhựa chính nên mới mềm và dẻo vậy. Từ đất này đem xoay ra chén thô luôn".

Nhìn từng động tác lấy tay đất bằng tay không của anh Quang, cứ nghĩ anh phải dùng một dụng cụ nào đó. Tay chọc thẳng vào gờ đất, bóc ra từng mảng lớn, đất dẻo như bột mì nhào nước vậy! Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, anh nói tiếp: "Theo được nghề này cũng khó lắm, làm thì cực, giá bán thì thấp, mà nghe đâu còn sắp bị giải toả nữa. Anh em tui cứ làm cầm chừng chớ không biết mai mốt thế nào".
Nói vậy chứ khi tôi hỏi có định kiếm việc làm khác dễ sống hơn không thì anh lại mỉm cười: "Người ở đây quen nghề này rồi. Nhiều gia đình cả nhà đều làm, có người hơn 40 năm. Tuy cực nhưng bỏ nó không đành, vì đây là nghề của cha ông để lại, và nó như một phần trong cuộc sống của người dân ở đây. Cũng từ nó mà tui nuôi vợ nuôi con, hơn nữa cái mùi đất ăn sâu trong người mình rồi, không có nó nhớ lắm!".

Thế mới hiểu cái tình, cái "duyên nợ" của người Bình Dương với nghề gốm thế nào. Có lúc nhiều chủ lò phải chạy nợ khắp nơi để bù lỗ, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Cái lò vẫn còn đó. Theo quan niệm của người làm nghề gốm, cái lò là tài sản quý giá nhất mà cha ông để lại, dù muốn dù không cũng phải giữ cho bằng được.

Bình Dương hiện có trên dưới 300 lò gốm truyền thống, nhưng thường mỗi lò có 3 - 4 người hùn vốn, vì chi phí hoạt động và tồn tại không phải ít. Thường mỗi lò có khoảng vài chục công nhân, lành nghề như anh Quang thì thu nhập 50 - 60 ngàn đồng/ngày, số khác thì 30 - 35 ngàn đồng, tuỳ theo số sản phẩm làm được.

Nổi tiếng nhất là lò gốm cổ Đại Hưng (hay còn gọi là lò lu Tương Bình Hiệp) ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, TX.TDM với hơn 150 tuổi. Ở đây đặc biệt nổi tiếng sản xuất lu, một vật dụng rất quen thuộc với bà con vùng quê sông nước.

Lu, chậu hoa Đại Hưng không hoa mỹ, màu sắc rực rỡ như ta thường thấy. Vẫn tuân thủ quy trình sản xuất cổ xưa: xay đất, đắp khuôn, nung bằng củi trong những chiếc lò truyền thống... Tuy vậy chất lượng tốt, giá thành thấp phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con nghèo vùng quê.

Tìm hướng đi cho làng nghề cổ

Cùng với làng nghề gốm, những sản phẩm sơn mài và khắc gỗ Bình Dương là mặt hàng xuất khẩu truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho tỉnh. Trung bình tăng 35 - 40%/năm, riêng năm 2007 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đạt 245 triệu USD. Tỉnh đã xác định đây là những mặt hàng chủ lực và rất quan tâm đến vai trò của các làng nghề, vì sản xuất thủ công, không phụ thuộc nguyên vật liệu ngoại nhập nên các làng nghề chủ động trong việc sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt sản phẩm từ làng nghề truyền thống được du khách nước ngoại ưa chuộng vì đẹp, mang ý nghĩa văn hoá cao mà giá thành lại rẻ. Chính vì thế, sắp tới đây tỉnh cũng có những chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa thế mạnh làng nghề để trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt.
Theo Bà Nguyễn Thị Điền - giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Bình Dương: "Sắp tới tỉnh sẽ có chính sách sắp xếp lại quy mô làng nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Phối hợp với Hiệp hội làng nghề của tỉnh để đào tạo công nhân, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường... Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, mở showroom giới thiệu và quảng bá sản phẩm là những bước mà tỉnh sẽ thực hiện để hỗ trợ làng nghề., Tuy nhiên việc sắp xếp, quy hoạch cũng dựa trên yếu tố bảo toàn nét văn hoá và sao cho phù hợp".

Những thông tin đó sẽ là niềm vui khôn xiết với những con người đang ngày đêm trăn trở với làng nghề. Có như vậy họ mới yên tâm theo đuổi và phát triển làng nghề, sản xuất ra những sản phẩm đẹp, độc đáo và có sức thu hút lớn trên thị trường.

Trong tương lai không xa, làng nghề truyền thống Bình Dương sẽ trở thành một điểm đến thú vị. Ngoài ý nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh, cải thiện đời sống người dân địa phương, đây còn là sự khẳng định giá trị văn hoá truyền thống của Bình Dương nói riêng cũng như cả vùng Đông Nam Bộ.



Lò gốm lâu đời nhất ở Bình Dương




Nhiều người nói rằng, đến Bình Dương bây giờ không còn gì thú vị bởi vùng đất này đã thành nơi dành cho công nghiệp, đâu đâu cũng thấy nhà máy xí nghiệp. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu một chút bạn sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị từ vùng đất có lịch sử hơn 300 năm này. Hãy cùng chúng tôi lang thang đến những lò gốm cổ ở thị xã Thủ Dầu Một …
Nghề gốm ở Bình Dương được đánh giá là đứng đầu cả nước cả về số lượng lò và sản phẩm bán ra. Theo lời kể của các bậc cao niên, thuở xưa, khi vùng đất Thủ Dầu Một còn hoang vu có một nhóm người Phúc Kiến tìm đến đây khẩn hoang, sinh sống. Trong nhóm, có cả những người thợ, nghệ nhân gốm lão luyện, thuần thục. Tình cờ, họ phát hiện ra đất cao lanh và đất sét ở đây rất thích hợp để phát triển nghề gốm. Và thế là, nghề truyền thống nung gốm ở Bình Dương ra đời từ đó. 
Men theo những con đường làng ngoại ô Thủ Dầu Một, chúng ta sẽ bắt gặp những hàng lu chất chồng lên nhau, ánh men vàng lấp lánh giữa nắng trưa gợi nhớ một thuở hưng thịnh của nghề gốm ở Bình Dương. Những chiếc lu non lửa được chất làm hàng rào, những dây leo len qua tạo thành những bức bình phong kỳ lạ, ngộ nghĩnh. Theo thời gian chúng vẫn trơ ra đó để minh chứng cho sự bất diệt của một làng nghề.
Ngày nay, Bình Dương vẫn giữ được vị trí là một trong hai trung tâm sản xuất gốm lớn nhất Việt Nam. Trải qua bao nhiêu hưng, thịnh trước những biến động, sóng gió của nền kinh tế thị trường nhưng không bao giờ người thợ hay người chủ lò có ý định bỏ nghề. Bởi với họ, cái mùi đất quen thuộc đã ăn sâu vào tâm tưởng, như một phần quan trọng trong cuộc sống của mình.  





Suu tam

Wednesday, February 1, 2012

Tân Khánh Bà Trà


Tân Khánh Bà Trà là một môn võ vốn xuất xứ từ Bình Định, nhưng đã được nhiều thế hệ võ sư trau chuốt ở làng Tân Khánh và làng Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương. Điểm đáng chú ý của môn phái này là tiếng tăm “đả hổ” lưu truyền trong dân gian.
Khoảng vào năm 1820, sau khi Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn, nhiều người dân ở vùng đất võ Bình Định đã di cư vào miền Nam và lập nên làng Tân Khánh. Họ mang theo mình những kỹ thuật quyền cước của Tây Sơn đến miền đất mới và tiếp tục phát triển thêm. Dưới triều vua Tự Đức, ở nơi đây đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa nông dân, gắn liền với tên tuổi của một người phụ nữ - Võ Thị Trà. Bà vốn giỏi võ Tây Sơn, trong suốt 10 năm trời đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này. Từ đó, vùng đất nổ ra cuộc khởi nghĩa – làng Tân Khánh, cộng thêm làng Bình Chuẩn, được gọi là “đất bà Trà”, và người dân gọi phái võ của vùng đất ấy là phái võ Bà Trà Tân Khánh hay Tân Khánh Bà Trà. Đây là một trong số rất ít phái võ cổ truyền có tiếng ở miền Nam thời đó.

Đặc trưng kỹ thuật của võ phái Tân Khánh Bà Trà là những đòn tay và đòn chân tung ra theo đường thẳng, có sức án ngự mọi sự tấn công đối phương cùng những đòn cận chiến bằng kỹ thuật đầu gối, cùi chỏ, nắm đấm, cạnh bàn tay, ngón tay, ức bàn tay... Binh khí phái này nổi tiếng nhất là roi và côn, được làm từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương như tre, tầm vông, gỗ căm xa, gỗ mật cật… Có ba bài quyền giá trị mà Tân Khánh Bà Trà đã đóng góp cho kho tàng võ học truyền thống của dân tộc, đó là Đồng Nhi Quyền, Tấn Nhứt Côn và Tứ Linh Đao.

Nhân tài của phái võ này cũng rất nhiều. Ngày xưa thì có hai anh em Hai Ất, Ba Giá và bà Năm Vuông được truyền tụng trong dân gian với những chiến công đánh hổ. Bảy Phiên và Năm Quy đào tạo ra những môn sinh không chỉ giỏi võ mà còn có tinh thần yêu nước, trở thành lực lượng tham gia các phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở miền Nam. Ngày nay thì có nữ võ sư Hồ Hoa Huệ, một nữ võ sư tài năng vốn từng học qua Tân Khánh Bà Trà.

Nước ta có thể tự hào là đã sản xinh ra nhiều môn võ “đẹp”, không chỉ bao gồm múa đao đi quyền mà còn hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc. Một trong số đó là phái võ Tân Khánh Bà Trà ở đất Bình Dương.

Suu tam