Tuesday, January 31, 2012

Chợ Thủ - Nửa đêm về sáng

Chợ Thủ Dầu Một từ xưa đã được coi là độc đáo có một không hai của miền đất Nam Kỳ. Bởi, nơi đây có sông Sài Gòn quanh năm nước xanh như tấm gương soi bóng, bên rừng lim xẹt, dầu đỏ... gió thổi vi vu, với kiểu dáng kiến trúc lãng mạn, kết hợp nhuần nhuyễn nền văn hóa Đông – Tây. Chợ Thủ cũng là chợ duy nhất ở miền Nam trên nóc có xây cột ba mặt gắn đồng hồ vuông theo phong cách Pháp. Người Thủ Dầu Một hơn 40 tuổi chẳng ai có thể quên cái hồi còn chạy lon ton theo bà, theo mẹ ra chợ Thủ trên chiếc xe ngựa lốc cốc trong buổi sáng tinh sương, để từ đó nên thơ, nên nhạc:

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

Đưa về chợ Thủ bán hũ, bán ve

Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu.

Như nhiều khu trung tâm buôn bán sầm uất xưa nay của vùng Đông Nam Bộ, chợ Thủ Dầu Một theo dòng thời gian gắn liền những biến động thăng trầm, chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội, là biểu hiện sinh động nhịp sống văn minh đô thị của người Bình Dương. Bên cạnh góc nhìn vào ban ngày, chợ Thủ còn có một góc nhìn khác rất độc đáo, đó là lúc: nửa đêm về sáng.

0 giờ, một đêm giữa tháng 7, chúng tôi đến với chợ Thủ, ở phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một. Dưới ánh đèn cao áp và cái se lạnh của thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới, các tiểu thương bắt đầu dọn hàng. Chợ Thủ nửa đêm về sáng kéo dài từ vòng xoay ngã 6 đến đường Trần Hưng Đạo và nối qua đến tận đường Bạch Đằng. Hàng bán ở đây chủ yếu là rau, củ, trái cây được chở đến từ những vùng lân cận thị xã Thủ Dầu Một.
Sau khi dọn hàng, một số tiểu thương tranh thủ chợp mắt khi chưa có khách. Thế nhưng, có những người dọn hàng rất nhanh, dư dả thời gian mà vẫn không sao chợp mắt được, cứ ngồi chăm chút lại mớ hàng của mình. Ông Võ Văn Tài, nhà ở phường Phú Thọ, cứ đến 12 giờ là ông cùng với chiếc Citi cũ kỹ chở hàng ra chợ bán. Gọi là hàng cho “oách”, chứ thật ra, ông dọn ra chỉ vài nhánh cau, mấy nải chuối và dăm ba tép sả trong vườn nhà. Vậy mà, với mớ hàng này, ông Tài đã gắn bó với chợ Thủ nửa đêm từ hơn 40 năm nay nuôi sống cả gia đình.

Ngồi gần bên ông Tài là bà Lê Thị Tiện, bán rau củ. Bà gắn bó với chợ Thủ nửa đêm cũng đã hơn 20 năm nay. Là giáo viên, nghĩ hưu mất sức từ năm 1983. Đến năm 1984, bà cùng chồng rời quê hương Thanh Hóa vào Bình Dương. Nghĩ hưu sớm khi con còn nhỏ, nên bà vẫn bươn chãi buôn bán hàng bông ở chợ đầu mối Phú Hòa để nuôi con. Đến năm 1990 thì bà mở một hàng rau ở chợ đêm Thủ Dầu Một. Từ những đồng tiền chắt chiu ở đây, bà đã nuôi 3 người con của mình vào Đại học. Giờ, các con đã trưởng thành, bà có thể nghĩ ngơi. Thế nhưng, mỗi đêm bà vẫn đều đặn có mặt tại chợ Thủ. Giờ giấc chính xác như đã được mặc định.

Ông Tài, bà Tiện … minh chứng một điều rằng: gắn bó với chợ, không chỉ là cuộc mưu sinh, mà đó còn là vì một thói quen khó bỏ, ăn sâu vào máu thịt. Với nhiều người, được lắng nghe âm thanh chợ Thủ, được hít thở không khí chợ Thủ nữa đêm đã trở thành niềm vui sống mỗi ngày.

2 giờ sáng.

Không chỉ những người bán hàng lâu năm, chợ Thủ nửa đêm còn có những người còn rất trẻ. Và, hẳn là người trẻ thì không phải nhớ nhung gì không khí chợ đêm. Họ, đến chợ, chính xác vì mưu sinh. Mỗi người một cảnh: một mình, một sạp hàng cũng có; cùng với cha mẹ bán hàng cũng có. Nhưng, điểm chung là ai cũng mong mau bán hết hàng để về nghĩ ngơi, vì còn có nhiều công việc của ngày mới chờ đợi họ.

Và rồi, theo thời gian, những người trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát này sẽ thay cha, thay mẹ của họ, tiếp tục công việc mà bao nhiêu năm qua, cha mẹ họ đã gắn bó.

Người mua hàng ở chợ Thủ nửa đêm về sáng này cũng là những người rất đặc biệt. Người mua – người bán đều là bạn hàng lâu năm. Cứ người mua đến – người bán hàng tự biết phải cân bao nhiêu, tính giá bao nhiêu, rồi để lên xe của người mua. Không trả giá, không cãi vã, không ồn ào như chợ ngày.

Trong số rất nhiều người mua hàng, chúng tôi ấn tượng với bà Tám, gần 80 tuổi mà bà vẫn còn hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà đi hết hàng này, đến hàng khác chọn đồ để đem đi bỏ mối ở chợ Bà Chiểu. Từ khi bà 35 tuổi, bà đã làm công việc này.

Người bán hàng lâu năm – Người bán hàng trẻ tuổi – Người bán – Người mua. Mỗi người, mỗi phận đời là một nét vẽ điểm tô cho bức tranh chợ Thủ nửa đêm về sáng càng thêm độc đáo mà hiếm tìm thấy ở một ngôi chợ nào khác.

3 giờ.

Rau, củ quả được tập kết về chợ ngày càng nhiều. Bạn hàng đến mua hàng cũng ngày càng đông dần. Khó khăn lắm, người đi chợ mới lách qua được những con đường. Chúng tôi gặp gỡ vài cụ cao niên bán hàng ở đây, hỏi chuyện thì không ai nhớ chính xác chợ Thủ nửa đêm được hình thành từ khi nào. Theo trang web sửgia.vn của Hội khoa học lịch sử Bình Dương, lúc khởi nguồn, chợ Thủ Dầu Một được gọi là chợ Phú Cường, xuất hiện vào khoảng năm 1838. Đến năm 1889, tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, chợ Phú Cường trở thành chợ tỉnh Thủ Dầu Một. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, nhận thấy việc đầu tư vào chợ có lợi lớn, họ đã tiến hành phục hồi và biến đổi hoàn toàn chợ Thủ. Năm 1938, chợ Thủ được khánh thành với mô hình mới, kiến trúc phóng khoáng, trang nhã và có lợi thế hơn nhiều nơi khác. Dần dần, chợ Thủ Dầu Một trở thành điểm thương mại sầm uất bậc nhất miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Ban ngày, hàng dãy thuyền buôn của các thương lái khắp mọi miền đến đây mua hàng hoá, vận chuyển đi nơi khác bán lại. Đêm xuống, tiếng lạc ngựa vang lên để hối hả đưa hàng kịp buổi chợ mai. Trải qua nhiều năm, chợ Thủ luôn giữ vị trí là một trung tâm thương mại tiêu biểu của Bình Dương, đồng thời cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng chính vì thế, chợ Bình Dương không chỉ là nơi mua bán mà còn là một biểu trưng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của Bình Dương và Nam Bộ.

Mấy tiếng đồng hồ rồi cũng chóng vánh trôi đi.

4 giờ. Trong cái se lạnh của sớm mai, phụ nữ ở chợ tranh thủ ăn chút gì lót dạ. Đàn ông thì rủ rê nhau cà phê. Vì vậy, chợ đêm, ngoài những hàng rau, củ quả, còn có những gian hàng cơm, hủ tiếu, cà phê, sữa nóng… phục vụ nhu cầu của các tiểu thương. Vậy nên, dù là nửa đêm về sáng, chợ vẫn đầy đủ như một phiên chợ ngày.

5 giờ sáng. Chợ vãn dần. Những tiểu thương chợ Thủ bắt đầu dọn hàng. Ai còn hàng nhiều thì đem đi bỏ mối ở chợ huyện. Ai còn kha khá hàng thì di chuyển xuống chợ rau, củ tiếp tục bán. Ai hết hàng thì tranh thủ về ngủ lấy sức cho đêm bán hàng sau.

Đến 5 giờ 30 sáng, tiểu thương đã trả lại cho chợ Thủ một không gian tinh tươm, sạch sẽ để đón chào ngày mới. Để đêm sau, chợ Thủ nửa đêm về sáng lại tiếp tục được dọn ra, tiếp tục là bà mẹ bao dung ôm lấy những phận đời. Và, trong phiên chợ nửa đêm về sáng ấy, chính những phận đời là những đốm sáng lung linh, làm bừng sáng chợ Thủ, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức, không thể thiếu được của người dân đất Thủ Bình Dương

Suu tam

No comments:

Post a Comment