Tìm hiểu về các ngôi nhà cổ người Việt ở Bình Dương, mà nét nổi bật và mang tính đặc trưng của lối kiến trúc nghệ thuật phải nói đến 3 ngôi nhà của họ Trần, nằm trong khu chợ Thủ Dầu Một ngày nay. Trong đó, có 2 ngôi nhà được công nhận di tích cấp quốc gia (nhà Bác sĩ Trần Công Vàng và nhà ông Trần Văn Hổ).
Ngôi nhà ông Trần Văn Hổ tọa lạc số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông Trần Văn Hổ (tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ sứ thời thuộc Pháp. Công trình được xây dựng năm Canh Dần (1890), tháng Trọng Xuân (tháng 2), nhằm niên hiệu Thành Thái thứ 2 cách ngày nay (2008) là 116 năm. Công nhận di tích quốc gia ngày 29-4-1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2 .
Hiện nay, di tích còn lại là một ngôi nhà chính, đây là ngôi nhà lớn chủ yếu là để thờ cúng ở gian giữa. Ngôi nhà trông bề thế và trang nghiêm, biểu hiện cung cách tôn ti trật tự, nề nếp. Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn để hưởng được làn gió mát trong lành quanh năm.
Lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh”, tổng diện tích xây dựng là 200m2, kiểu nhà được người dân Thủ Dầu Một xưa rất ưa thích. Trước sân được che phủ bởi cảnh thiên nhiên thu nhỏ của vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ được trang trí đầy đủ cảnh sinh hoạt “Ngư – Tiều – Canh – Mục”. Ngôi nhà có dáng dấp nhìn từ ngoài vào hơi thấp, với mái ngói rêu phong, tạo cảnh sắc thiên nhiên của sự cổ kính, thanh tịnh tách hẳn với ồn ào náo nhiệt của cảnh phố chợ bên ngoài.
Bước vào bên trong là nét đẹp trang trí thể hiện sự sung túc của ngôi nhà. Nguyên vật liệu toàn là gỗ quý như Cẩm lai, Giáng hương, Gõ, Sến, Mật… được sử dụng bài trí lớp lớp, từ mái nhà xuống cửa võng và cả bậc ngạch. Từ những song gỗ, đường nét ô vuông đến các mảng phù điêu đều được bố trí đối xứng đến từng chi tiết, tạo nên bề thế trang nghiêm, thể hiện phong cách vương quyền.
Ngôi nhà xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái gồm 36 cột tròn. Mái ngói âm dương dài thoai thoải và thấp mang đậm nét nhà truyền thống người Việt. Trên nóc nhà có hồi văn, hình bát quái. Loại nhà này có nhiều ưu điểm so với các nhà cổ truyền khác ở chỗ có bộ khung sườn cứng cáp, lòng nhà rộng rãi. Kết cấu bộ vì kèo theo kiểu nối cột cái với cột con bằng “giả thủ” tạo không gian thoáng đãng, hệ thống kẻ ngòi phong phú (theo lối kẻ ngòi đãng: ngắn, ráp, nối nhau) gắn chặt xà, kẻ, bẫy vào đầu cột theo không gian 3 chiều. Kẻ, bẩy vươn qua không gian, ăn mộng vào đầu cột tạo cho nghé kẻ thêm phần vững chắc ở điểm nối giữa nách và cột. “Bẩy” (đầu kèo) ở đây được chạm thẳng vào cục gỗ “Tứ linh”, xà nách thì chạm Tứ thời, kẻ ngòi (thân kèo) thì ngoài chạm ra còn tạo hình dáng uốn lượn trông mềm mại.
Từ hệ thống mái vững chắc, có phần hơi thấp, bên trong nội tự được ngăn đôi bức tường giả hình chữ U tạo chiều sâu. Mảng giữa tường và khánh thờ là các bức Hoàng phi được sơn son thiếp vàng, các bức liễn bằng những câu đối cẩn xà cừ đính trên cột.
Gian giữa phía trên là khám thờ với tấm Thủ quyển chạm nổi hình Tứ linh hoàng tráng, giữa bức thủ quyển ấy là ba hàng chữ đề danh hiệu các vị thần được thơ. Phía trái là thờ thần Táo với danh hiệu “Đông Trù Tư Mạng”, giữa là thờ trời với danh hiệu “Hiệp Thiên Đại Đế”, bên phải thờ phúc thần với danh hiệu “Phúc Đức Chánh Thần”, phía dưới thờ gia tiên nhiều đời, hai bên nơi thờ chính là hai câu đối:
Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân, canh khả phú
Cần kiệm nhị, cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh.
Tạm dịch:
Cày ruộng và đọc sách là hai con đường: đọc sách có thể hiển vinh. Còn cày ruộng chắc là giàu có.
Hai chữ cần và kiệm thì vần (siêng năng) ta có thể dựng nên sự nghiệp, còn tiết kiệm cũng có thể đủ đầy.
Ở hai bên phải và trái, có hai bức thờ cẩn xà cừ rất công phu và độc đáo. Bức bên phải đề hai chữ “Hạc Toán” (sống lâu như tuổi Hạc), bức bên đề “Qui linh” (tuổi thọ như Rùa thiêng). Bốn chữ ấy đều cẩn ốc xà cừ màu ngũ sắc óng ánh tuyệt đẹp với lối viết cách điệu, mỗi nét chữ là hình ảnh của chim muông hoa lá tạo thành. Hai bên mỗi bức thờ là đôi câu đối viết kiễu chữ “Chân lư” (một loại chữ mà cho đến nay chưa đọc được), cẩn ốc xà cừ nét chữ khó đọc thể hiện sự huyền bí pha lẫn sự khéo léo của các nghệ nhân tài hoa xưa.
Hai bên thờ chính, có cặp đối:
Hoa đường thụy ái hoàng khai phú hậu chi cơ
Đại địa linh chung triệu khải văn minh chi vận.
Tạm dịch:
Rực rỡ mây lành rộng mở nền phú hậu
Địa linh hun đúc gầy dựng vận văn minh
(ước mơ vừa giàu vừa có văn hóa).
Ở hai bên gian thờ giữa là hai buồng (phòng) ngủ của chủ nhà (buồng ông và buồng bà) bài trí 2 bộ ván nằm ngủ (dạng nguyên khối gỗ). Trên hai cửa buồng có hai bức hoành đề: Ngự dược, Diên phi (cá nhảy, diều bay: Có ý mong thi đậu hoặc thăng quan lên chức). Nơi đây còn có các bao lam đều trang trí đẹp, công phu. Đối xứng hai bên hông buồng ngủ là hai tủ đứng cẩn xà cừ màu sắc sặc sỡ, tủ dùng bài trí các vật dụng trong nhà.
Nét độc đáo của ngôi nhà là lớp cửa thứ hai, tất cả đều chạm nổi, khắc chìm, khắc lộng… thể hiện toàn bộ trên các khung cửa, cách cửa: khung cửa chính dựng theo lối Tam quan, ở đây là một bức tranh khá hoành tráng với cảnh có hình bán nguyệt được trổ lộng, thể hiện cảnh lầu son gác tía ở cung đình. Bề mặt của khung cửa chạm trổ Tứ thời, bên trên là đề tài, bên dưới đề câu đối, tạo nếp hài hòa sinh động qua cảm giác khoảng thời gian của mỗi mùa.
Phần thể hiện các đề tài trên cửa được chia ra các ô vuông. Ô chữ nhật thể hiện Tứ Linh: Long với sóng nước vân mây, Lân với cuộc giấy, Qui với chân đèn, Hạt với cây Tùng. Các hoa văn tứ hữu “Mai – Lan – Cúc – Trúc” với những đường diềm chi tiết khéo léo được phân bố hợp lý nét chạm – khắc tinh tế.
Các tấm lá gió đường diềm ở giữa cột được gia công, chạm lộng, hình chữ Thọ, các chắn song song đều nhau, ngăn cách một cách chuẩn mực. Ở đây công trình chạm lộng từ bẩy, kẻ ngòi, xà nách, bao lam, khám thờ… song cũng có nhiều chủ đề khác nhau nhưng vẫn tập trung của 2 đề án trang trí chính: Đồ án trang trí theo các đề tài tôn giáo phong kiến như: Tứ linh, Đồ án trang trí dân gian lấy thảo mộc, hoa quả làm chủ đề chính như: Bát bảo, Bát quả, Tứ hữu, Tứ thời… Mỗi chủ đề là sự thể hiện một mãn tâm hồn, một phần đời sống, một cảnh thiên nhiên với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Bộ phận văn hóa chữ Hán được thể hiện ở những tấm hoành phi, cặp liễn, trên bức thờ, thủ quyển, tấm hoành, câu đối. Những bài thơ, văn ở đây đều được thể hiện ngắn gọn, súc tích. Có câu mang tính ước lệ, khuôn sáo nhưng nội dung vẫn giàu tính nhân văn, chẳng hạn để diễn tả nét đẹp của mặt tiền ngôi nhà đã có câu: Định tiền sinh thụy thảo
Liêm ngoại xuất kỳ hoa
Tạm dịch:
Trước sâu sinh cỏ lành
Ngoài rèm mọc hoa quý.
Ở nơi hàng cột nhì trong ngôi nhà trên bốn cột có treo bốn bức tranh “Tứ bình” (thật đáng tiếc nay chỉ còn lại 3 bức tranh) khảm ốc rất đẹp, đẹp đến từng đường nét cẩn ốc rất tinh xảo nhuyễn – nhỏ và uyển chuyển sinh động.
Bức thứ nhất vẽ chủ đề “Mai – Nhạn” với hai câu thơ:
Nguyệt Minh thời hữu Nhạn lai quy
Lan bất tri mai nguyên Nhạn ước.
Tạm dịch:
Vào đêm trăng sáng nhạn trở về,
Lan nào hay biết nhạn với mai đà ước hẹn).
Bức thứ hai vẽ chủ đề “Trúc – Phượng” với hai câu thơ:
Tập lai nghi phượng tảo tầm qui
Cúc tảo tri tha thường trúc thực.
Tạm dịch:
Đàn phượng tìm về vừa đúng lúc
Nhưng cúc cũng đã sớm ưa tìm ăn trái trúc!
Bức thứ ba vẽ chủ đề “Cúc – Yến” với bốn câu thơ:
Chất bạn cúc li kiên vãn tiết
Hương tùy chu thất tán thu phong
Phong nguyên chấn lập li tao lí
Yến kết di phục cư bội trung.
Tạm dịch:
Cúc luôn giữ khí tiết
Hương vào nhà thơm theo gió thu
Thẳng tới chốn phòng văn
Hay dầu én đã đến nơi đây làm tổ.
Nơi lạc khoảng một trong ba bức tranh này đề: Quý Tỵ Niên Khiến Tạo (1833). Như vậy, phần trang trí nội thất không phải tiến hành cùng một lúc với công trình xây cất ngôi nhà.
Một di tích kiến trúc cổ được đặt trên một nền văn hóa nghệ thuật chạm trổ – điêu khắc gỗ thể hiện hài hòa và điêu luyện, được tồn tại và bảo lưu quý giá về chất liệu sử dụng cả về nghệ thuật trang trí làm cho người xem khó có thể phân biệt tách rời giữa ranh giới đâu là chạm và đâu là khắc các đường nét sắc bén tinh vi, tỉ mỉ đến từng đường nét uốn lượn từ lớn đến nét nhỏ nhất, từ độ sâu đến nét cạn… tất cả đều thể hiện một nét riêng độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam.
Cái đẹp của công trình kiến trúc ngôi nhà là người chủ đã xác định được địa thế, địa hình: đồi, dòng sông, nắng trời, trăng và phong cảnh xung quanh hòa hợp. Đó là đặc điểm truyền thống trong kiến trúc cổ của dân tộc Việt Nam, kiến trúc ngôi nhà với sự hài hòa với địa hình, phong cảnh và thiên nhiên vùng nhiệt đới.
Giá trị kết cấu kiến trúc của ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ được thể hiện ở cách bố trí không gian bên trong ngôi nhà. Nghệ thuật trang trí cho thấy ngôi nhà vừa cổ điển, vừa sâu kín và ấm cúng, thanh thoát. Nghệ thuật chạm trổ tinh vi từ các vì kèo, bao lam, khán thờ – uy nghi của tấm Thủ quyển chạm hình Tứ linh hoàng tráng nhũ vàng, các bức hoành phi sơn son thiếp vàng, các bức liễn cẩn xà cừ theo motyp truyền thống như: Tứ linh, Bát bửu, Hồi văn, Chữ thọ… cùng với những đường nét theo kiểu hình học. Những cây trính đều được uốn cong và chạy chỉ, trên thích với kiểu cánh dơi theo kiểu truyền thống từ miền Bắc và miền Trung nước ta. Đặc biệt, là những cái lá dung ở mỗi đuôi kèo được chạm khắc tinh xảo, thể hiện nét tiêu biểu của kiểu nhà cổ Việt Nam, nói lên óc thẩm mỹ đặc sắc của nghệ nhân đất Thủ xưa.
Phần giàu có nhất của ngôi nhà được thể hiện ở vật trang trí từ các bộ bàn ghế, tủ chè, tủ thờ, hoành phi, câu đối, trường kỹ, ván nằm (dạng nguyên khối gỗ) có niên đại cổ xưa và giá trị nghệ thuật, kinh tế cao. Ngoài chất liệu gỗ được sử dụng như sao, gõ, huỳnh đàn, cẩm lai, mật… được chạm trổ với các kiểu nghệ thuật khác nhau: chạm lọng, chạm nổi, khắc, chạm giũa thật tinh xảo, hệ thống các hiện vật trong trang trí nội thất đều nâng lên được giá trị đặc biệt về mỹ thuật lẫn niên đại.
Qua những nét đặc trưng nổi bật về trang trí mỹ thuật của kiến trúc nghệ thuật dân dụng. Ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ là sự hội tụ mọi yếu tố văn hóa khác nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu thổ nhưỡng, về kinh tế – xã hội thời bấy giờ. Với nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc ngôi nhà tồn tại trên vùng đất trù phú (Phú Cường) đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc gỗ ở thế kỷ XIX, mang phong cách đặc trưng của địa phương đất “Thủ” – Bình Dương ngày nay.
Hiện nay, di tích được Ban Quản lý di tích tỉnh quản lý và khai thác phát huy tác dụng giá trị nghệ thuật quý giá ấy. Giá trị của ngôi nhà được bảo tồn và trùng tu, tôn tạo ngày một đẹp hơn. Hàng năm ngôi nhà đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan chiêm ngưỡng và nghiên cứu. Tại đây, hàng tháng còn tổ chức lớp học về nhạc cụ dân tộc, đờn ca tài tử Nam bộ… làm cho ngôi nhà trở nên sinh động hơn và ngôi nhà góp phần giúp giới trẻ tìm về với cội nguồn, gần gũi với nghệ thuật truyền thống dân tộc, làm giàu tính nhân văn tâm hồn Việt trong thời hội nhập và phát triển.
Suu tam
No comments:
Post a Comment