Saturday, August 16, 2014

Xuất xứ tên Thủ Dầu Một

Tên của tỉnh Thủ Dầu Một thông thường được viết là Thu-do-mot, nhưng cách viết đúng phiên ra chữ Quốc ngữ là Thủ Dầu Một. Tên này gồm có ba chữ được viết theo cú pháp của Hán tự là « Một-dầu-thủ » và có nghĩa là « trạm có cây dầu duy nhất » (cây dầu là cây có dầu rất phổ biến trong vùng).

Nguồn gốc của tên này đã đi vào truyền thuyết: một đồn lính có nhiệm vụ canh gác sông Sài Gòn có lẽ đã được thiết lập tại địa điểm hiện thời của trụ sở của Sở Thanh tra và dãy nhà phụ thuộc. Đồn này đóng ngay giữa một khu rừng gồm toàn cây dầu cao lớn trong đó có một cây đạt kích thước thật là hùng vĩ. Đó thật là một cây dầu duy nhất. Đặc điểm này khiến cho dân bản xứ đặt tên đồn đó dưới tên Thủ Dầu Một. Sau khi đồn này bị dẹp bỏ, một ngôi chùa được dựng lên cũng ngay trên địa điểm đó, sau đó chùa bị phá hủy để xây trụ sở của sở Thanh tra, văn phòng làm việc, trại… và đặt tên Thủ Dầu Một cho thị trấn trở thành tỉnh lỵ này.

Dưới thời Nhà Nguyễn của người An Nam, tỉnh mang tên Bình An.

Trích lược trong : « MONOGRAPHIE DE THUDAUMOT. 1909 »


Bài từ Facebook của Văn Phúc

Tuesday, August 12, 2014

Sự ra đời, biến mất, rồi lại tái xuất hiện của một ngôi trường

      

Tựa đề bài viết này có phần dông dài nhưng có như vậy mới nói lên được số phận long đong của một ngôi trường trung học chào đời cách nay trên nửa thế kỷ ở tỉnh Bình Dương.

       Nói về chuyện long đong thì chắc nó chỉ chịu thua có nàng Kiều của cụ Nguyễn Du tí chút, chứ nhất quyết không chịu kém cạnh bất cứ một trang lứa  nào khác ở miền Nam sau 30-4-75, kể cả Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và Gia Long ở Sài Gòn, Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, Trường Tống Phuớc Hiệp ở Vĩnh Long,.. bởi lẽ sau ngày 30 tháng 4 năm 75 các trường này còn được tiếp tục làm nhiệm vụ bình thường của mình, chứ Trường Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương thì dứt khoát bị buộc phải “thôi việc” (Nó bị chấm dứt nhiệm vụ kể từ năm học 1976 -1977).

       Tuy vậy, và đây đúng là chuyện thế gian hi hữu, sau 15 năm, ngang bằng thời gian truân chuyên, chìm nổi của nàng Kiều, ngôi Trường đã bị bức tử, lại được phục sinh với tên họ cũ, và khai giảng năm học 1990 – 1991 vào đúng thời điểm bắt đầu học kỳ II, cũng y hệt như lần khai giảng niên khoá đầu tiên của Trường vào năm 1955. Trong khi đó, các Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và Gia Long ở Sài Gòn, Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ… với một bề dày truyền thống và một lịch sử tồn tại không bút mực nào tả xiết… đã vĩnh viễn bị xoá tên, và cho đến nay chỉ còn tồn tại trong ký ức của mọi người.

      Các thế hệ học sinh của mấy ngôi trường vang bóng một thời đó chỉ còn biết ngậm ngùi cho số phận những chiếc lá xa cành không còn biết nẻo mô để lần về nguồn cội.

      Những ai từng có một  thời niên thiếu hoặc thanh xuân đầy mật ngọt, trải qua trong khung cảnh nên thơ của một trường trung học hoặc một “campus” xanh tươi hay trầm mặc của một trường đại học, chắc không thể nào tránh được được những cảm xúc bùi ngùi như thế. Cũng may mà ngôi trường Trung Học được may mắn mang tên vị văn quan lỗi lạc có những cống hiến xuất sắc trong lịch sử văn hoá, xã hội của nước Việt Nam thời cận đại ở tỉnh Bình Dương, đã sớm được trả lại sự công bằng mà nó đã bị tước đoạt, bởi việc xoá sổ nó cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận một Truyền thống Giáo dục tốt đẹp bậc nhất, cùng với những thành quả quý báu  mà nó đã cống hiến cho xã hội nói chung và cho tỉnh Bình Dương nói riêng.

       Bây giờ chúng ta quay trở lại đầu đề của bài viết, mà mục đích là nhằm nói lên sự Ra Đời, sau đó Biến Mất, rồi lại Tái Xuất Hiện của Trường Trịnh Hoài Đức  trong giai đoạn lịch sử mấy mươi năm qua của Tỉnh Bình  Dương.

       Cho đến nay Trường Trịnh Hoài Đức  đã có một lịch sử tồn tại hơn nửa thế kỷ, cùng thời với hầu hết các trường trung học công lập đầu tiên trên các tỉnh thành  miền Nam, thời kỳ sau khi Hiệp Định Genève 1954 về VN và Đông Dương ra đời, như các trường: Ngô Quyền ở Biên Hòa, Châu Văn Tiếp ở Bà Rịa, Cường Để ở Quy Nhơn, Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, Trần Cao Vân ở Quảng Nam, Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu ở An Giang v.v... Cho tới thời điểm đó, Sài Gòn và các đô thị quan trọng khác như Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Mỹ Tho,... đã có những trường trung học lớn do người Pháp thành lập từ rất sớm được gọi là các lycées và collèges như  các Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Trường Gia Long ở Sài Gòn, Trường Quốc Học và Đồng Khánh ở Huế,  Le Myre de Villers ở Mỹ Tho,  Phan Thanh Giản ở Cần Thơ v.v… Hầu hết các tỉnh còn lại trên toàn miền Nam chưa có một trường trung học công lập nào. Vài địa phương cũng có những trường trung học tư thục chưa đầy đủ, do các nhà giáo có uy tín và những nhà trí thức có tâm huyết đứng ra thành lập và điều hành. Những học sinh con em các gia đình khá giả, sau khi thi đậu bằng Tiểu học, có thể vào học ở những trường tư thục đó, hoặc nếu gia đình có điều kiện, lên Sài Gòn thi tuyển vào các trường  công lập như Pétrus Trương Vĩnh Ký (nếu là nam sinh) hoặc Gia Long (nếu là nữ sinh), hoặc nếu như không vào được các trường công lập thì có thể theo học tại các trường trung học tư thục khá nổi tiếng thời đó như Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê.v.v.., hoặc những trường trung học công giáo do các Frères và các Soeurs điều hành.

       Vậy mà, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi Hiệp Định Genève 1954 ra đời, các trường trung học công lập đầu tiên  trên toàn miền Nam đều đồng thời xuất hiện. Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức  Bình Dương khai giảng năm học đầu tiên 1955-1956 ngay sau khi trường mới vừa xây dựng xong 6 phòng học, gồm một tầng trệt và một tầng lầu với 3 lớp Đệ Thất, 2 lớp nam sinh, 1 lớp nữ sinh. Số học sinh  năm đầu tiên là 150. Ngày khai giảng, trường còn chưa có hiệu trưởng hay ban giám hiệu, cũng chưa có các thầy, cô thực thụ giảng dạy các môn học theo như chương trình mà Bộ Giáo Dục quy định. Các thầy giáo khi đó chỉ là các giáo viên đứng tuổi, được Ty Tiểu Học Bình Dương điều động đến để trông nom học sinh là chính. Trường khai giảng vào ngày Mồng Năm Tết âm lịch,  muộn mất một học kỳ. Thế là suốt một học kỳ còn lại của năm học 1955-1956, học sinh 3 lớp Đệ Thất (lớp 6) đầu tiên của trường được tận hưởng những ngày tháng tuyệt vời: vừa học vừa chơi, thời gian ở ngoài sân trường nhiều hơn trong lớp học, ở ngoài đồng nội,  vườn cây, sân bóng,.. Chơi nhiều hơn học: đánh đáo, đánh chuyền, ăn vặt, đá bóng, tắm sông, lội suối, hái trái,  trèo cây v.v…

       Cũng cần nói thêm là, trước khi Trường Trịnh Hoài Đức ra đời, tại tỉnh lỵ Phú Cường đã có 2 trường trung học tư thục thành lập trước đó vài năm là các Trường Trí Đức và Nguyễn Trãi. Nhiều thế hệ học sinh ở Bình Dương từng học ở hai trường đó. Cũng có người về Sài Gòn học, do gia đình họ khá giả.

       Hầu hết học sinh khoá đầu tiên của Trường Trịnh Hoài Đức, trong khi chờ đợi xây trường, đều đã mất một hoặc hai năm chờ đợi ở các lớp Tiếp Liên (là lớp học mà các trường tiểu học khi đó mở ra để ôn tập cho các học sinh đã có bằng Tiểu Học trong khi chờ đợi kỳ thi tuyển vào các trường trung học). Vì vậy, khi được tuyển vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) Trịnh Hoài Đức, có một số trường hợp hai hoặc ba anh, chị, em trong một nhà cùng học chung một lớp. Phạm vi tuyển sinh của trường khi đó và mãi cho tới trước năm 1975 là mở rộng ra toàn tỉnh. Mọi học sinh, không phân biệt địa bàn cư trú, trong tỉnh hay ngoài tỉnh, nếu  đã đậu bằng Tiểu Học, đều được phép dự thi. Vì vậy, kể từ những năm đầu tiên cho tới sau này rất nhiều học sinh trúng tuyển từ các quận, huyện xa xôi trong tỉnh, thậm chí từ các tỉnh khác như Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Hậu Nghĩa v.v… đến ở trọ trong các khu vực dân cư gần trường, xung quanh khu vực An Thạnh – Búng, đặc biệt là tại các chùa ở địa phương để đi học...

       Cũng không ít các thầy cô là người Sài Gòn và các nơi khác được bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển về dạy tại Trường Trịnh Hoài Đức, cũng thuê nhà, mua nhà, hoặc ở trọ gần Trường để đi dạy.

      Thời đó học sinh thường đi bộ hoặc  đi xe đạp đến Trường. Còn với những học sinh nhà ở xa thì phương tiện vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi mà rẻ tiền là các xe Đò và xe Lô chạy lộ trình Bình Dương–Sài Gòn, và ngược lại, chỉ cách 10 phút là có một chuyến. Xe Đò là loại xe khách sơn màu đỏ có từ 30–40 chỗ ngồi. Xe Lô là loại xe  nhỏ hơn (8–10 chỗ ngồi) sơn nhiều màu khác nhau và di chuyển nhanh hơn. Học sinh phần lớn sử dụng xe Đò, và tất cả đều được giảm 50% giá vé so với hành khách thông thường. Sau này, cụ thể là từ năm 1964 -1965 trở đi, khi loại xe chở khách 3 bánh có tên là xe “Lam” (do từ Lambro, Lambretta), chở được từ 8–10 người, rất  nhanh chóng và tiện lợi, được đưa vào sử dụng, thì học sinh thích sử dụng loại phương tiện này hơn, vì loại xe này đưa học sinh tới tận cổng trường và trước giờ tan trường đã có mặt trước cổng trường để rước học sinh và thầy cô về nhà.

       Những ai được tận mắt nhìn thấy quang cảnh nhộn nhịp của khu vực An Thạnh–Búng vào trước giờ nhập học và tan trường thời ấy không khỏi tiếc rẻ cho hình ảnh đẹp của một quá khứ còn chưa xa, nhưng đã vĩnh viễn chìm sâu vào quên lãng.

      Cho đến hôm nay hồi tưởng lại sau hơn 50 năm, người viết bài này không khỏi giật mình tự hỏi không biết vì sao, vào các thập niên 50-60 của thế kỷ trước, tại vùng đất hiền hoà, trù phú và xanh tốt quanh năm này, nơi vốn đã được biết đến từ lâu như là quê hương của sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, chôm chôm,.. và những món ăn chơi tinh tế mà hương vị độc đáo của nó không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác, là bánh bèo, bì bún, bì cuốn của thương hiệu Mỹ Liên,.. hàng ngày lại có thể diễn ra một nếp sinh hoạt hiền hoà, dung dị, nề nếp và lịch sự đến như vậy?

       Phải chăng, khi người dân thấy rằng khát vọng học tập, mở mang trí tuệ, và ước nguyện  cho con em mình vươn lên trong cuộc sống, nhờ vào học vấn, đã được đáp ứng một cách tốt đẹp, thì đáp lại mọi người phải có nghĩa vụ tạo ra những điều kiện vật chất và tinh thần tốt  nhất, có thể được, để hỗ trợ cho việc dạy và học của học sinh và nhà trường, kể cả việc ăn ở và cư xử như thế nào để con em mình không hổ thẹn với đời. Thầy cô, nhà trường được tiếp đón bằng tình cảm yêu thương, quý trọng. Còn học sinh được xem như là vốn quý của cộng đồng và xã hội. Suy nghĩ này có lẽ không quá viễn vong, bởi lẽ xã hội Việt Nam từ ngàn  xưa vốn là một xã hội nông nghiệp, đời sống kinh tế, vật chất của đại bộ phận người dân còn rất thấp cho nên việc chăm lo cho con cháu học hành giỏi giắn để thoát nghèo và tiến thân luôn là lời giải duy nhất cho bài toán kinh tế, xã hội và văn hoá  của mọi gia đình:

“Muốn sang thì bắt câu kiều
 Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy… ”

       Tỉnh Bình Dương vốn là một vùng đất xưa kia thuộc Phiên Trấn (Gia Định), cùng với Trấn Biên (Biên Hoà- Đồng Nai), đã có một lịch sử an cư trên hai thế kỷ. Vùng đất nầy đã có truyền thống hiếu học, tôn trọng lễ giáo, lại sớm tiếp xúc với nền văn minh phương Tây nên sự ra đời của Trường Trịnh Hoài Đức là sự kiện văn hoá – xã hội trọng đại nhất của tỉnh Bình Dương trong nửa sau của thế kỷ 20. 

       Từ những năm đầu tiên cho tới khi chấm dứt nhiệm vụ vào năm 1976, Trường Trịnh Hoài Đức đã cung cấp cho tỉnh Bình Dương nhiều thế hệ thanh thiếu niên được giáo dục thật chu đáo. Sau này, vào thập kỷ 60 còn có sự đóng góp của một trường trung học công lập thứ 2 là Trường Trung Học An Mỹ, toạ lạc tại xã An Mỹ, cách tỉnh lỵ Phú Cường 7 km, và Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bình Dương nằm kề bên Trường Trịnh Hoài Đức, tại khu vực An Thạnh-Búng.

       Trong lịch sử 20 năm tồn tại của nó, Trường Trịnh Hoài Đức  đã có nhiều học sinh xuất sắc, sau nầy nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong xã hội, không những trong tỉnh Bình Dương, mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước và ở nước ngoài. Cho đến hôm nay, ba mươi lăm năm sau ngày đất nước thống nhất và sau mười lăm  năm xoá bỏ rồi tái lập lại, danh tiếng của Trường Trịnh Hoài Đức vẫn còn nguyên vẹn. Ba chữ Trịnh Hoài Đức vẫn là niềm tự hào của những ai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bình Dương,  mà hiện nay có thể đang có mặt khắp chân trời góc biển.

       Đối với người Bình Dương hôm nay, ba  chữ TRỊNH HOÀI ĐỨC vĩnh viễn là một giá trị  tinh thần không thể phủ nhận. Trong giao tiếp hằng ngày họ chỉ dùng nhóm từ “Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC” ngắn gọn để chỉ ngôi trường rất được yêu quý và kính trọng đó, như cách người ta gọi “Trường Pétrus Ký” hay “Trường Gia Long”, “Trường Trưng Vương”, “Trường Võ Trường Toản” v.v.., chứ không gọi theo cách thông thường là Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức  hay Trường Trung Học Phổ Thông Trịnh Hoài Đức  như cách  gọi  hiện nay. 
    
       Liên quan đến việc ra đời của ngôi trường danh tiếng này, cho đến hôm nay, vẫn còn hai điều bí ẩn mà hiện nay không một ai, kể cả người viết bài này là  học sinh thế hệ đầu tiên của trường, học ở đó gần 7 năm, và từ năm 1965  dạy và công tác ở đó gần 10 năm nữa, cũng không sao biết được, đó là:

       1.Thứ nhất: Việc chọn vị trí xây trường

       Ai, hoặc những ai là người quyết định chọn vị trí đó, một vị trí nằm cách trung tâm tỉnh lỵ đến 5 km và cách chợ Búng hơn 1 km, chứ không phải một vị trí nào khác, bởi khi đó tỉnh Bình Dương dân cư còn thưa thớt và đất công thổ còn rất nhiều? Câu hỏi “Ai hay những ai là người quyết định chọn vị trí đó không quan trọng bằng câu hỏi: “Tại sao chọn vị trí đó?”, bởi vì dù người đó hay những người đó là ai, thì đó cũng là một quyết định táo bạo nhưng vô cùng đúng đắn và chính xác, thể hiện một tầm nhìn mang tính quy hoạch và viễn kiến cao.

       Tỉnh Bình Dương khi đó dân số chưa đông đúc như hiện nay và đất công thổ còn rất nhiều, việc chọn lựa vị trí xây dựng một trường trung học, lại là trường trung học đầu tiên của tỉnh, không gặp bất cứ một hạn chế nào. Nhưng tại sao lại chọn một vị trí nằm giữa một cánh đồng  cách xa tỉnh lỵ đến 5-6 km, và từ đó đến trung tâm quận Lái Thiêu (Thuận An hiện nay) cũng một khoảng cách tương tự?
      
       Tỉnh Bình Dương đất rộng nhưng các quận, huyện (khi đó gọi chung là quận), phía Bắc và Đông Bắc như Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo (Đồng Phú ngày nay) đều rất thưa người. Chỉ có phần đất phía Nam, tính từ tỉnh lỵ Phú Cường đến quận Lái Thiêu, trải dài dọc theo Quốc lộ 13 và  sông Sài Gòn theo hướng bắc nam, trên một không gian từ 10 đến 15 km, là khu vực đông dân và trù phú nhất. Chính trung tâm điểm của khu vực đông dân đó (tức khu vực An Thạnh – Búng) mới là vị trí lý tưởng để xây trường Trung học công lập đầu tiên của tỉnh. Mặc dầu, khi nó mới ra đời,  nhiều người không khỏi cảm thấy  khó hiểu  về vị trí  lạ lùng của nó -  giữa một cánh đồng vắng vẻ - cách xa tỉnh lỵ đến 5 km và cách chợ Búng hơn 1 km. Tính chiến lược của quyết định này, có thể nói như vậy, còn được khẳng định khi cũng tại địa điểm đó người ta  xây dựng thêm hai ngôi trường  quan trọng khác. Đó là trường Trung học Nội Trú dạy nghề (Trường Bá Nghệ) dành cho học sinh miền Bắc Di Cư vào Nam năm 1954, (Năm 1956 Trường  này được chuyển giao cho Trường Trịnh Hoài Đức  để làm cơ sở II, tức Trường Trịnh Hoài Đức nữ.), và Trường Trung học Nông Lâm Súc Bình Dương, một trong 4 trường trung học giảng dạy chuyên ngành Nông Lâm Súc đầu tiên trên toàn miền Nam khi đó. Vậy là vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trên cánh đồng ven Quốc Lộ 13, cách thị trấn An Thạnh - Búng hơn 1 km và cách tỉnh lỵ Phú Cường và quận lỵ Lái Thiêu 5 km, đã xuất hiện 2 cơ sở giáo dục bậc trung học đầu tiên của  tỉnh Bình Dương là Trường Trịnh Hoài Đức Nam, Trịnh Hoài Đức Nữ và sau đó là Trường  Trung học Nông Lâm Súc Bình Dương (đến năm 1972, trường nầy còn được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên viên trung cấp (Kiểm Sự) ngành Nông Lâm Súc). Ngoài ra còn có sự góp mặt của một trường tiểu học theo mô hình mới, cũng là một trong 3 trường thử nghiệm mô hình này trên toàn quốc: Trường Tiểu Học CỘNG ĐỒNG DẪN ĐẠO, Búng. Tất cả tạo nên một khung cảnh học tập, một nếp sinh hoạt mang đậm nét văn hoá hiếm thấy ở bất cứ một nơi nào khác. Nếu tình hình đất nước không có nhiều biến động như trong mấy thập kỷ vừa qua, thì khu vực này có thể đã biến thành một trung tâm chuyên về giáo dục và đào tạo của tỉnh Bình Dương và có thể là của cả miền Nam, bởi nó chỉ cách xa Sài Gòn có 24-25km.

       2. Thứ hai: Việc chọn tên trường

      Bí ẩn thứ hai: Ai là người chọn tên TRỊNH HOÀI ĐỨC cho ngôi trường ra đời khi đó? Cho đến nay những người có thể trả lời câu hỏi này đều không còn lại một ai, trong khi toàn bộ văn thư lưu trữ tại trường hay ở văn khố tỉnh và ở Nha Trung Học ở Sài Gòn,  thì đã chịu chung một số phận như nhau là không còn gì cả, sau biến động lớn ngày 30-4-1975. Rất đáng tiếc là vào những năm cuối đời của Thầy Trương Văn Di, vị hiệu trưởng thứ hai của Trường, cũng là người sáng lập và là vị hiệu trưởng lừng danh nhất trong số các vị hiệu trưởng, người viết bài này có cơ hội gần gũi và được Thầy tâm sự rất nhiều, về đủ mọi chuyện,  nhưng không hiểu sao không một lần nào nêu lên thắc mắc này với Thầy. Đến nay thì đã muộn, vì Thầy đã vĩnh viễn ra đi vào năm 1982. Mặc dầu có nhiều nỗ lực tìm tòi nhưng đến nay câu hỏi trên vẫn còn  là một bí ẩn đầy thách thức. Những ai có liên quan đến Trường Trịnh Hoài Đức  hay bất kỳ ai có chút manh mối nào về điều bí ẩn này xin vui lòng lên tiếng. Chúng tôi, những người đang phục dựng lại quá trình hình thành Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC Bình Dương, vô cùng biết ơn.

      Cũng liên quan đến sự ra đời và trưởng thành của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC, không thể không đề cập đến một sự kiện quan trọng khác là việc dựng tượng vị danh nhân mà những người sáng lập trường đã chọn để đặt tên cho trường. Ý tưởng dựng tượng vị danh nhân có nhiều cống hiến về mặt văn hoá, học thuật đối với phần lãnh thổ phía Nam của tổ quốc nói chung và vùng Sài Gòn–Gia Định nói riêng, trong khuôn viên trường, để làm Ngọn Đuốc Trí Tuệ và Nhân Cách,  soi đường cho các thế hệ học sinh và thầy cô giảng dạy, hình thành vào những năm đầu của thập kỷ 70, khi mà Trường Trịnh Hoài Đức đã trưởng thành và có những bước phát triển rực rỡ về nhiều mặt.

       Việc dựng tượng đã được cử hành long trọng trong một buổi lễ kỷ niệm một chặng đường phát triển vượt bực của Trường Trịnh Hoài Đức vào năm 1972, đặt dưới sự chủ toạ của ông Nguyễn Thanh Liêm, Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Giáo Dục khi đó là ông Ngô Khắc Tĩnh, và sự chứng kiến của các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Dương và đông đảo quan khách.

       Sự kiện ngày 30-4-75 đánh dấu một chuyển biến có tính bước ngoặc trong lịch sử tồn tại của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC. Đó cũng là số phận chung của toàn miền Nam khi đó, chứ không riêng gì Trường Trịnh Hoài Đức. Nhưng số phận của ngôi trường này còn ly kỳ hơn nhiều, như đã nói  ở trên, bởi nó đã bị xoá sổ ngay từ năm 1976. Các giáo viên đang giảng dạy, trừ những người bị đưa đi cải tạo lâu dài, và học sinh đang học được phân tán về các trường thuộc các quận, huyện khác trong tỉnh dưới các tên gọi mới là các “Trường cấp 2”, “Trường cấp 3” của từng địa phương như: “Trường Cấp 3 Thị xã TDM”, “Trường Cấp 3 Lái Thiêu”.v.v… Thay thế vai trò của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC vừa xoá sổ người ta thành lập một trường mới lấy tên là “Trường Cấp 3 An Thạnh”, lấy cơ sở vật chất của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC Nữ trước đây.

       Từ cột mốc thời gian đó, Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống. Cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang của nó nhanh chóng biến thành Trường Bồi Dưỡng Cán Bộ và Quản Lý G.D và Trường Sư Phạm Mẫu Giáo, có nhiệm vụ vừa “đào tạo lại” các giáo viên cũ, vừa cấp tốc sản xuất ra hàng loạt giáo viên mới, cung ứng cho mạng lưới trường lớp mọc lên nhanh chóng khi đó.

       Việc giải tán Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC và sử dụng cơ sở vật chất khang trang và vị trí rất thuận lợi của nó, như đã nói đến ở trên, nhằm phục vụ các mục tiêu và nhu cầu chính trị cũng như chuyên môn của ngành giáo dục khi đó cũng là một quyết định bình thường. Ngoài ý nghĩa thực tiễn ra, quyết định đó cũng phù hợp với cách nghĩ khi đó là: Cần phải xóa bỏ những gì Cũ, và thay thế bằng cái MỚI. Vả chăng, sự tồn tại của một trường trung học công lập cấp tỉnh cho dù là một trường danh tiếng, không còn phù hợp với quan niệm tổ chức của ngành giáo dục trong chế độ mới.

       Tuy nhiên có một điều khác thường mà khi đó mọi người không nhận ra, vì còn bị cuốn hút bởi nhiều chuyện khác ly kỳ hơn, đó là sự tồn tại của tượng đài TRỊNH HOÀI ĐỨC tại nơi an vị, bất chấp mọi dâu bể, thăng trầm của lịch sử. Ngày ngày, bậc vĩ nhân đầy tâm huyết với Con Người và Cuộc Sống vẫn bình thản quan sát mọi chuyện,. Và hẳn là Người không khỏi ái ngại khi nhìn thấy các “Nhà Giáo Nhân Dân”, cũng còn được gọi là các “Kỷ Sư Tâm Hồn”,  cuốc xới tan nát sân trường đầy sỏi đá để trồng khoai củ, rau muống, rau lang, cây bạch đàn.., làm chuồng nuôi heo, nuôi dê, nuôi thỏ v.v,.. để vừa phục vụ “đất nước”, vừa tự cứu mình, bởi lẽ trong giai đoạn lịch sử này của xã hội VN người ta chưa biết đến khái niệm “Học Thêm”, “Dạy Thêm” rất phổ biến của mấy thập niên sau này.  Cũng may mà các “vệ binh cách mạng” VN (còn được gọi là các “ông bà Ba Mươi”) không quá nhiệt tình như các “hồng vệ binh Trung Quốc” thời “Cách Mạng Văn Hóa”, chứ nếu không thì,.. ai biết được điều gì đã xảy ra?

       Một lần nữa, hậu thế phải cảm tạ công đức to tát của bậc tiên hiền, bằng uy danh và sự trầm tĩnh của mình, đã cứu vớt một di sản tinh thần thoát khỏi sự diệt vong và đưa nó trở lại với cuộc sống. Các thế hệ học sinh xuất thân từ ngôi trường danh tiếng đó, từ hơn 50 năm qua, cảm thấy mình là những người may mắn nhất, khi họ còn có được một NƠI CHỐN để mà quay về, để tưởng nhớ đến bạn cũ, thầy xưa, và những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời của một con người.

        Sau gần 15 năm (1976-1990) bị xoá sổ, Trường Trịnh Hoài Đức  đã được “thành lập” trở lại bởi QĐ số 33/QĐ-UB của UBND tỉnh BÌNH DƯƠNG (khi đó có tên là Sông Bé), do Phó Chủ Tịch thường trực tỉnh là ông Hồ Minh Phương ký ngày 22-10-1990.

       Điều 1 của QĐ này ghi rõ: “Thành lập trường Phổ Thông Trung Học Trịnh Hoài Đức  thuộc sở GD tỉnh Sông Bé kể từ tháng 10 năm 1990. Địa điểm nhà trường đặt tại Trường Trịnh Hoài Đức  cũ (xã An Thạnh, huyện Thuận An).”

       Thực tế không hề có chuyện Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC được “tái lập” mà là một trường có tên là “Trường P.T.T.H Trịnh Hoài Đức” được “thành lập”, tại vị trí của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước đây, nơi vẫn tồn tại tượng đài Trịnh Hoài Đức  từ mấy mươi năm qua. Trường T.H.P.T Trịnh Hoài Đức  hiện nay, do vậy, không thể đồng nhất với Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước năm 1975, vì nhiều lẽ:

•    Về danh xưng có một khác biệt không lớn nhưng cũng cần nói rõ để tránh ngộ nhận, đó là:  Tên gọi đầy đủ của Trường Trịnh Hoài Đức hiện nay, được thành lập bởi QĐ 33/QĐ.UB ngày 22-10-1990, là Trường “P.T.T.H Trịnh Hoài Đức”; sau này đổi lại thành “T.H.P.T. Trịnh Hoài Đức”. Trong khi đó tên gọi chính thức của Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước năm 1975 là “Trung Học Trịnh Hoài Đức” (mọi người quen gọi là Trường Trịnh Hoài Đức), bao gồm cả hai bậc: Đệ I cấp (tức là cấp II) và Đệ II cấp (tức là cấp III).

•    Về vai trò và nhiệm vụ thì cũng có một khác biệt lớn. Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC trước kia là một trường trung học danh tiếng. Học sinh nhập học phải qua một kỳ thi tuyển rất gay go mà chỉ những học sinh xuất sắc nhất mới được tuyển vào. Thầy cô giảng dạy đa phần là những người đạt thứ hạng cao nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp của các Trường Đại Học Sư Phạm toàn quốc. Các nhà giáo ưu tú này chỉ có thể chọn các trường gần Sài Gòn nhất như  Bình Dương, Biên Hoà, Long An, Mỹ Tho.v.v,.. và phục vụ ở  đó một thời gian vài năm trước khi được thuyên chuyển về gần nhà.

       Trong khi đó, “Trường T.H.P.T Trịnh Hoài Đức” và “T.H.C.S Trịnh Hoài Đức ” hiện nay chỉ là  trường trung học của khu vực, nhận học sinh của các xã chung quanh Thị Trấn An Thạnh. Trình độ học sinh, do vậy, cũng không thể so sánh với học sinh của Trường Trịnh Hoài Đức trước kia. Nếu so sánh thì cũng chỉ có thể so sánh với các trường thuộc các khu vực khác trong tỉnh chứ không thể so sánh với các tỉnh khác vì hiện nay không hề có một kỳ thi Tú Tài Quốc Gia như ngày trước, thống nhất, dành cho tất cả học sinh cả nước.

        Nhưng khác biệt lớn nhất giữa hai “thực thể” này (hãy tạm gọi như thế) là khác biệt về bản chất. Cả hai được xây dựng trên hai triết lý nền tảng khác nhau và đều nhắm đến những mục tiêu khác nhau. Do vậy, các biện pháp vận dụng để đi đến mục tiêu cũng không giống nhau. Đó là những nét khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống giáo dục mà bài viết này không có ý định phân tích sâu hơn.

       Đến đây, chúng ta đã có được một cái nhìn khá rõ nét về trường Trung Học TRỊNH HOÀI ĐỨC ở Bình Dương kể từ ngày mới thành lập vào năm 1955, cho đến tận hôm nay. Đó là trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Bình Dương, ra đời từ giữa thế kỷ trước, phát triển một cách rực rỡ cho đến thời điểm 30-4-1975 thì bị giải thể. Tuy vậy, sau đúng Mười Lăm Năm Im Lặng, trên cơ sở vật chất và tại vị trí cũ của Trường Trịnh Hoài Đức trước kia, nơi vẫn tồn tại tượng đài danh nhân Trịnh Hoài Đức  từ 15 năm  qua, xuất hiện một trường trung học mang tên Trịnh Hoài Đức (mới).

       Hiện nay “Trường T.H.P.T Trịnh Hoài Đức” đã được  xây cất khang trang hơn trước, xinh đẹp hơn trước, đã có một diện mạo mới, một cơ sở vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn. Tuy nhiên, những cái “hơn” thuộc bình diện “hạ tầng” đó, nếu đồng thời cũng được kèm theo chút ít cái “hơn” trên bình diện “thượng tầng”, thì quả là đại phúc cho người  dân tỉnh Bình Dương, vốn là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất nước hiện nay.

Nguyễn Phạm
Ngày 5 tháng10 năm 2010


Ghi Chú: Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường là ông Nguyễn Văn Trương chỉ tại chức có một năm, sau đó về giữ cương vị hiệu trưởng Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn.